Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Cụ Võ và lan man về cái chết. Bài NVT


 (Đọc bài này thấy vui nên dán vào đây )

Xin nói ngay rằng “cụ Võ” đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chứ không phải cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt. Theo như bài dưới đây (lấy từ blog của Nhà văn Nguyễn Quang Lập) thì cụ Giáp đang bệnh và trong tình trạng khá nguy kịch. Nhưng chẳng hiểu sao trên Tiền Phong thì cụ nói là còn rất khỏe. Năm nay cụ Giáp cũng đã 97 tuổi rồi (ông sinh ngày 25/8/1911). Cầu mong ông sống thêm 3 năm nữa cho trọn 100 rồi hãy đi đâu thì đi. :-)
Chuyện nọ xọ chuyện kia. Năm nay tôi có vài người bạn đi về cõi vĩnh hằng. Người đầu tiên làm tôi sốc là Gs Nguyễn Văn Chuyển bên Nhật, một người bạn quen qua công việc và email nhưng chưa bao giờ gặp ngoài đời. Mới năm ngoái tôi gặp cộng sự của anh (người Nhật) trong hội nghị về xương ở Hawaii và có trao đổi về việc hợp tác trong tương lai, mà nay anh đã ra đi! Theo tin tức nhận được thì anh Chuyển chết vì xuất huyết não tại nhà trong lúc cả nhà đi làm nên không phát hiện và khi đến bệnh viện thì quá trễ. Anh mới 64 tuổi, tức là đàn anh của tôi. Còn quá trẻ. Anh là một người Việt chân chính, yêu quê hương, ngay từ sau 1975 đã định về quê, nhưng các quan chức khuyên anh chưa nên về (có lẽ là lời khuyên chân tình) và ấy thế mà anh có cơ hội đóng góp nhiều cho quê hương qua đào tạo, giảng dạy, và nghiên cứu khoa học.
Người thứ hai, cũng là đàn anh của tôi, là giáo sư Pierre Delmas bên Pháp. Mới nhận tin hôm qua nghe nói anh ta đang nằm bệnh viện vì nhồi máu cơ tim rồi dây dưa sang pneumonia và có thể khó qua khỏi. Thật ra thì anh ta đã bị heart attack từ lúc đi họp trong hội nghị bên Thái Lan và lúc đó đồng nghiệp hoảng hốt đưa anh ta vào bệnh viện. Sau khi về Pháp anh ta từ bỏ rất nhiều chức vụ quan trọng trong ngành xương để điều trị. Nhưng nay thì có lẽ anh ta đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Anh ta chưa đầy 60 tuổi, nhưng đã có gần 500 bài báo khoa học và xứng danh là một người đàn anh trong ngành.
Mấy chuyện này làm cho tôi suy nghĩ về cái chết, về sự nghiệp, về quê hương, về gia đình. Ừ thì ai mà không biết qui trình “sinh lão bệnh tử”, rồi một ngày nào đó mình cũng ra đi thôi. Mình sẽ để lại gì cho đời? Mấy câu hỏi này cứ luẫn quẫn trong đầu hoài khi thấy bạn bè từng người bỏ ta đi … Có phải cuộc đời chỉ là những quán Không, tựu trung chỉ là Một cõi đi về đã được Trịnh Công Sơn nhắc đến. Và rồi một ngày nào đó, sau cuộc hành trình dương thế Đường trần rồi khăn gói / Mai kia chào cuộc đời / Nghìn trùng con gió bay. Co ro trong quan tài, hình hài bè bạn cùng giun dế. Thiền sư Vạn Hạnh đã từng bảo các đồ đệ rằng: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.
Đời người như hạt sương trên cành, bình mình vừa ló dạng sương tan thành hơi khói, sáng tóc còn xanh, chiều tối bạc phơ: Triêu như thanh mộ như tuyết (Cao Bá Quát). Sau chuỗi ngày theo đuổi giấc mộng dài, chuỗi ngày dài làm trò diễn trên sân khấu cuộc đời, rồi một phút giây nào đó giật mình nhìn lại thì đã già nua, già như chiếc lá thu vốn đã vàng nay lại phai thêm: Chiều hôm thức dậy / Ngồi ôm tóc tóc dài / Chập chờn lau trắng trong tay.
Ôi, tôi lan man quá rồi, còn phải để cho các bạn đọc bài của Nguyễn Quang Lập chứ!
NVT
PS. Ít ai biết rằng cụ Giáp từng là thầy dạy sử của Nhạc sĩ Phạm Duy (ông cụ này cũng 87 tuổi rồi). Đọc hồi kí ông PD thấy nói lúc đó thầy Giáp dạy sử nhưng cũng "tranh thủ" dạy luôn tinh thần chống Pháp! :-)
===

Nhớ thương cụ Võ
Báo Tiền Phong thì đưa tin vừa phỏng vấn cụ cách đây 2 ngày, cụ còn nói này nói nọ, khi nào cũng nghe cụ nhắc đừng quên quá khứ. Nhắc gì mà nhắc lắm thế. Mình nghi thằng nhà báo nhắc chứ không phải cụ nhắc. Cụ nhắc có đôi lần rồi chúng nó cứ thế phóng ra, lạ gì mấy ông nhà báo, hi hi.

Anh Xuân Đài ngày xưa làm báo, suốt ngày đi theo cụ Hồ, đến đâu cũng viết Bác dặn thế này, Bác khuyên thế kia. Sau về già, ngồi nhậu cười ha hả nói tao dặn cả đấy chứ, Bác dặn đâu. Chẳng biết thật không, hay lại ba hoa nữa, hi hi.

Chiều nay nghe thằng cu Tễu nói cụ thở oxy rồi, sắp về cõi rồi. Nó còn nhắc câu ngày xưa cụ Hồ nói với cụ: “ Chú phải sống đến trăm tuổi”. Bây giờ trăm tuổi rồi, coi như làm đúng lời Bác dặn.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc còn trẻ bên cụ Hồ và khi về già (ảnh năm 2008)
Dân Quảng Bình, là nói dân sở tại, ai cũng có thể chê bai, kể cả bố mẹ, kể cả cụ Hồ, nhưng cụ Võ thì không, tuyệt nhiên không. Thế gian có 3 người dân Quảng Bình thờ phụng đó là Chúa, Phật và cụ Võ.

Họp hội đồng hương năm nào cụ cũng đến, hễ cụ đến trễ tý là lại xôn xao, thì thào không biết có chuyện chi mà giờ này cụ chưa đến. Cụ nói nhỏ, người nghe thì đông, hầu hết chẳng nghe gì nhưng hễ cụ nói xong ai nấy đều hân hoan như vừa nghe xong thánh chỉ.

Chẳng phải thời cụ làm quan cụ lo lót được cho dân Quảng Bình. Mình hỏi nhiều ông quan to Quảng Bình cụ Giáp có bố trí được ghế này ghế nọ không, ai cũng thở hắt ra nói có mô. Hễ có việc gì của tỉnh người ta chạy đến chỗ nọ chỗ kia chứ chẳng bao giờ chạy đến cụ.

Thì Phật, Chúa tóm lại có lo được dân chút gì đâu nhưng có đánh chết dân vẫn không thôi thờ phụng. Cụ Võ cũng thế thôi.

Quý Doãn nói cụ đánh hai đế quốc to đã trợt mặt rồi, mình còn đòi hỏi cụ cái chi nữa.

Thời xưa các ông bộ chính trị đều có ảnh phóng to, lồng khung treo tường cả. Mình còn bé chẳng biết ông nào ra ông nào, chỉ duy nhất cụ là mình biết, bởi vì cụ là đại tướng. Con nít thì đại tướng là ghê gớm nhất còn mấy cái chức khác thì mặc kệ, chẳng quan tâm.

Sáu, bảy tuổi ngồi há mồm nghe anh Chanh, anh Út kể chuyện cụ, sướng rêm người.

Anh Chanh kể Đờ Cát gọi điện cho Cụ Hồ xin tha. Cụ Hồ hỏi Đại tướng ý kiến chú ra răng? Đại tướng nói thưa Bác thằng mô tha thì tha chứ Đờ Cát thì dứt khoát không tha. Tụi mình vỗ tay rào rào nói đúng đúng không tha không tha.

Anh Út kể đội bóng đá nước mình đá với đội Trung Quốc, bị sút quả 11m, nếu bắt thì thủ môn sẽ vỡ ngực chết, không bắt thì thua. Trưởng đoàn gọi điện cho cụ Hồ hỏi thưa Bác có bắt không, cụ Hồ thương thủ môn chết tội, định nói thôi không bắt. Đại tướng ưỡn ngực rập chân nói thưa Bác dù chết Tổ quốc mình cũng không thể thua. Cả lũ nhảy lên reo hò đúng đúng, dù chết cũng không thua.

Rồi xúm lại hỏi anh Út cuối cùng mình có thắng không. Anh Út vênh mặt lên nói thắng chơ răng không thắng. Sướng muốn ngất luôn.

Đại khái cái gì Cụ Hồ cũng hỏi Đại tướng, cái gì Đại tướng cũng quyết định ngon lành, toàn trúng không thôi. Tâm hồn bé thơ của mình đầy ắp những chuyện như thế.

Mấy chục năm sau, hình như năm 1980, đang ăn cơm bỗng nghe tin cụ đựơc phân làm trưởng ban Sinh đẻ có kế hoạch, bỏ cơm nằm khóc rưng rức suốt cả buổi chiều . Tâm hồn bị tổn thương trầm trọng giống như thấy người ta đang làm nhục bố mình.

Năm sau, kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đài ngâm bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, mình ngồi phục xem người ta có ngâm câu: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp/ sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp hay không. Hoá ra không.

Điên tiết mình đập tan cái đài của anh Đuya, sau phải vay tiền gần chết mua cái đài mới đền anh.

Năm 1984, đoàn kịch Quân đội dựng vở Bài ca Điện Biên, hình như kịch bản của Sĩ Hanh, Doãn Hoàng Giang đạo diễn. Nghĩ bụng chắc người ta chẳng mời cụ đến dự đâu. Hóa ra cụ đến. Bụng phục thầm quân đội quá xá, chỉ có quân đội gan mới to thế chứ chẳng ai dám đâu.

Mình đứng cuối hội trường hồi hộp chờ xem cái đoạn kết. Đoạn kết có chi tiết Chính uỷ mặt trận báo cáo chiến dịch thắng lợi, chỉ mỗi câu báo cáo đại tướng hay báo cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp mà cãi nhau ỏm tỏi.

Anh Giang thì cứ tủm tỉm cười nói rồi mày xem anh xử lý thế nào.

Vở kịch quá dài, hơn 2 tiếng, xem mệt cả người, rồi cũng đến hồi kết. Khi tập thì anh Đoàn Dũng, trong vai chính uỷ mặt trận, chỉ quay điện thoại về chỉ huy sở mặt trận báo cáo với Đại tướng. Nhưng khi đó, anh Đoàn Dũng chạy vụt xuống đứng trước mặt cụ, rập chân ưỡi ngực chào.

Cụ bị bất ngờ, lúng túng đứng lên.

Anh Đoàn Dũng nói to, dõng dạc từng tiếng một: Báo cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh mặt trận, chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Tướng Đờ Cát đang ở trước mặt chúng ta.

Cả ngàn người vụt đứng dậy vỗ tay như sầm rền, kéo dài hơn 10 phút, nhiều người khóc oà.

Mình bật khóc nức nở, chạy ra khỏi hội trường đứng khóc, hét to ôi sướng quá trời ơi.
Tối đó về nhà nằm lúc lúc lại bật khóc. Đang viết những dòng này cũng nước mắt như mưa.

Từ chuyện đám tang giáo sư Cao Xuân Hạo, bàn chuyện văn hóa tang lễ VN - Bài của NVT trên tuan's blog


 

Trong blog tháng rồi, tôi có trích lại một tin về sự qua đời của Giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học mà tôi rất thích. Tưởng rằng “nghĩa tử là nghĩa tận” như ông bà mình vẫn nói, thế nhưng không hẳn vậy! Đọc bài này của giáo sư Trần Ngọc Thêm (cũng là chỗ quen biết của tôi) mới thấy câu chuyện đám tang xem ra còn nhiều rắc rối một cách hình thức khó hiểu và đáng tiếc. Trời ơi, lại càng chuyện chỉ đăng cáo phó cho những người có 45 tuổi đảng trở lên! Ôi, đóng góp của giáo sư Hạo và di sản của ông không đủ để vinh danh ông à? Đọc mà nổi nóng.

NVT


====

TỪ CHUYỆN GS. CAO XUÂN HẠO VÀ ĐÀI TRUYỀN HÌNH VTV,
BÀN VỀ VĂN HOÁ TANG LỄ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm
(Đại học Quốc gia Tp. HCM)
http://vanhoahoc.net/diendan/viewtopic.php?f=36&t=109


Đây và version 2.0 của bài viết về GS. Cao Xuân Hạo và đài VTV (sau khi thẩm tra lại các chi tiết và suy nghĩ thêm về khía cạnh văn hoá học của vấn đề)


I- SỰ KIỆN


Chiều 24-10-2007 vừa qua tôi đi viếng GS. Cao Xuân Hạo về. Lòng thấy buồn. Phần buồn vì thương tiếc Anh. Phần buồn vì suy nghĩ lan man quanh chuyện “văn hoá tang lễ”.

Số là, sau khi vào viếng GS. Cao Xuân Hạo ra, PGS.TS. Hoàng Dũng (một thành viên của Ban tang lễ) đã kể cho tôi nghe câu chuyện về “bếp núc” của tang lễ này.

Chuyện rằng, hôm trước anh - Hoàng Dũng - mang giấy báo tử và bản tin buồn về sự ra đi của GS. Cao Xuân Hạo do Ban tang lễ và gia đình soạn thảo tới Văn phòng đại diện Đài truyền hình VTV để liên hệ đăng cáo phó.

Sau khi xem xong hai thứ giấy tờ, cô nhân viên tiếp khách băn khoăn hỏi: “Thưa bác (PGS.TS. Hoàng Dũng tuy chưa già, nhưng tóc đã bạc trắng cả), bác còn thứ giấy tờ nào nữa không?”

“Tôi không hiểu - PGS. Hoàng Dũng trả lời – tôi nghĩ hai thứ giấy này và danh tiếng của GS. Cao Xuân Hạo đã là quá đủ. Ý chị muốn hỏi loại giấy nào?”

“Cháu muốn nói đến giấy chứng nhận 45 năm tuổi Đảng. VTV chỉ đăng cáo phó cho những người có 45 năm tuổi Đảng (trở lên?). Bác không biết chứ, mỗi phút lên hình ở đài cháu là tiền cả đấy. Nếu bác đăng quảng cáo thì phải tốn 25-30 triệu, còn nếu có giấy chứng nhận 45 năm tuổi Đảng thì chỉ mất có 300 nghìn đồng thôi”.

Một vị giáo sư đến viếng có mặt lúc đó bèn cho biết thêm là mấy tháng trước, khi PGS.TSKH. Nguyễn Hữu Đức - một nhà toán học, đương kim Hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt - qua đời, Trường đại học Đà Lạt đã không thể đăng tin buồn trên VTV cũng vì chính cái quy định 45 năm tuổi Đảng đó, nên đành phải đăng cáo phó trên Đài truyền hình Hà Nội để bạn bè và đồng nghiệp trên đất Bắc biết tin.

PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ, một thành viên khác trong Ban tang lễ GS. Cao Xuân Hạo cũng thông tin rằng vừa trong tuần trước, ông Trần Duy Châu, một cán bộ giảng dạy văn học lâu năm, nguyên phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM, 58 tuổi Đảng, đã không thể đưa lên Nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức, mà phải đưa về Củ Chi, vì có quy định là Nghĩa trang thành phố ở Thủ Đức chỉ dành cho những người có 60 năm tuổi Đảng, mà ông Châu thì còn thiếu tới 2 tuổi!

Nghe chuyện, mọi người (mà toàn là các nhà trí thức cỡ “nhỡ” trở lên cả) chỉ còn biết lắc đầu.

II- BÀN LUẬN


Tôi hiểu rằng VTV là Đài truyền hình trung ương, phát sóng cả nước. Không thể bất kỳ ai đưa cáo phó đến cũng nhận đăng được. Nếu thế có mà phải thành lập riêng một kênh chuyên đăng cáo phó! Thành thử, phải đặt ra nguyên tắc phân loại. Chọn những người có 45 năm tuổi Đảng chính là một nguyên tắc phân loại như thế. Vấn đề chỉ còn là nguyên tắc phân loại ấy có hợp lý hay không mà thôi.

Mới nghe qua, thì thấy rất ổn. Những đảng viên lâu năm và cán bộ cao cấp được ưu tiên là phải.

Song nếu nghĩ kỹ sẽ thấy không ít điều bất ổn trong đó.

Điều bất ổn thứ nhất là ở chỗ nguyên tắc phân loại này phát huy một nét xấu của văn hoá truyền thống Việt Nam hình thành từ thời phong kiến đến nay – đó là tính đẳng cấp.

Thời phong kiến, đẳng cấp vua chúa quý tộc luôn nắm mọi độc quyền ưu tiên trong xã hội.

Thời kỳ bao cấp, cái tính đẳng cấp mà cha ông chúng ta đã làm cách mạng để cố gắng xoá bỏ ấy vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức như quyền cấp phát nhà ở (biệt thự hay chung cư), quyền cấp xe volga (đen hay trắng), tem phiếu thực phẩm (mua ở cửa hàng Tông Đản - một cửa hàng chuyên bán thực phẩm cho cán bộ cao cấp ở phố Tông Đản, gần Ngân hàng Trung ương, Hà Nội - hay cửa hàng phường xóm), v.v. Cùng với đời sống khá lên, tem phiếu thực phẩm đã từ lâu không còn. Quyền cấp phát nhà gần như cũng đã chấm dứt. Quyền cấp xe riêng thì vẫn còn, nhiều vị đã nghỉ hưu rồi mà vẫn khư khư giữ cái xe đen mà nhất định không chịu trả; tuy nhiên cũng thấy đang đưa ra bàn thảo là hay thôi không cấp xe nữa mà trả vào lương...

Riêng cái chuyện chết, lạ thay, ít thay đổi nhất. Việc phân chia ngôi thứ theo đẳng cấp khi đăng cáo phó, khi chôn cất, hình thành từ thời bao cấp đến nay vẫn còn nguyên vẹn không suy suyển. Đẳng cấp nào thì được đăng cáo phó thế nào; đẳng cấp nào thì được chôn ở đâu (ở Hà Nội là nghĩa trang Mai Dịch hay Văn Điển, ở Tp. HCM là Nghĩa trang Thủ Đức hay Củ Chi). Phải chăng vì người Việt ta quá coi trọng cái chết (đến mức không thể nào thay đổi được), hay ngược lại là quá coi thường cái chết (đến mức xem là không đáng bận tâm chuyện thay đổi)? Hay đơn giản là vì người đã chết rồi thì đâu có thể đấu tranh cho mình được nữa; còn người sống thì đang lúc tang gia bối rối, dễ tặc lưỡi cho qua, khi tang lễ đã xong rồi thì còn nói làm gì nữa!

Điều bất ổn thứ hai là ở chỗ nguyên tắc phân loại theo đẳng cấp này đi ngược lại một nét tốt đẹp của văn hoá tang lễ truyền thống là tính dân chủ: người Việt Nam bảo nhau: “chết là hết”, quan chức hay phó thường dân rồi cũng trở thành cát bụi, ghen đua kèn cựa mà làm gì. “Nghĩa tử là nghĩa tận” – mọi lỗi lầm gì cũng được (ít nhất là tạm thời) bỏ qua để cư xử với người chết một cách nhân ái, yêu thương nhất.

Điều bất ổn thứ ba là ở chỗ nguyên tắc phân loại theo đẳng cấp này đã vô tình duy trì một nét xấu của văn hoá truyền thống Việt Nam là tính cào bằng: văn hoá nông nghiệp là văn hoá trọng tĩnh, đã lọt vào đẳng cấp nào là yên vị ở đẳng cấp đó, chứ ít khi bị xáo trộn, thay đổi. Quan chức có lỗi thường không bị kỷ luật mà được “chuyển ngang” hoặc “đá lên”. Nó không khuyến khích sự phát triển là cái rất cần thiết cho xã hội Việt Nam hiện đại.

III- GIẢI PHÁP


Trước cái chết, tốt nhất là ứng xử sao cho bình đẳng, dân chủ theo phương châm “nghĩa tử là nghĩa tận”.

Song nếu cứ phải lựa chọn, phân loại thì hãy lựa chọn, phân loại sao cho khuyến khích phát triển.

Không ai chối cãi được rằng VTV là Đài truyền hình của Nhà nước - một nhà nước XHCN của dân, do dân, vì dân. Do vậy nếu phải lựa chọn để đăng cáo phó thì không nên lựa chọn một đẳng cấp, một tầng lớp, mà là phải chọn những người có công với nhân dân, đất nước. Lựa chọn một đẳng cấp, một tầng lớp là lựa chọn tĩnh, nó hướng đến sự ổn định, còn lựa chọn người có công là lựa chọn động, nó hướng đến sự phát triển.

Ai là người có công với nhân dân, đất nước? Có phải những người có 45 năm tuổi Đảng không?

Xin thưa: không phải. 45 năm tuổi Đảng là rất đáng quý. Nhưng đó chỉ là chuyện “thâm niên” (đánh dấu thâm niên đó, đã có huy hiệu và giấy chứng nhận). Mà “thâm niên” thì không phải là thành tích: Một người có 45 năm tuổi Đảng rất có thể là một người có công với nhân dân, đất nước; nhưng cũng có thể là một người chẳng có gì ngoài cái thâm niên 45 năm tuổi Đảng ấy!

Các các cán bộ cao cấp có phải là người có công với nhân dân, đất nước hay không? Thường là như vậy, nhưng không phải lúc nào, với ai cũng là như vậy. Có những người rất hiền lành, giao lá cờ nào thì giữ lá cờ ấy nhưng không phất; khi bị nhân dâu truy hỏi, Quốc hội chất vấn thì nói quanh co hoặc chống chế rằng tôi bất lực, tôi không làm được gì là do lỗi của cơ chế (gần đây có từ mới là “lỗi hệ thống”), tôi vô can! Còn với những cán bộ có lỗi lại được chuyển ngang hoặc “đá lên”, tệ lắm là cho “hạ cánh an toàn”, thì càng không thể nói là có công với nhân dân, đất nước được. Không phải ngẫu nhiên mà một hai năm nay báo chí hay nói bóng gió đến việc quan chức Việt Nam chưa học được “văn hoá từ chức”!

Có lẽ, chỉ có hai loại có thể xem là “có công”:

Thứ nhất là các anh hùng trong chiến đấu và lao động, những người được nhận những giải thưởng của nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Các cán bộ cao cấp cũng phải được phong anh hùng, được trao giải thưởng thì mới xem là người có công lớn được. Các nhà lãnh đạo cao cấp (cao hơn khái niệm “cán bộ cao cấp”) của Liên Xô trước đây, không phải ai cũng có huân chương Lênin.

Thứ hai là các nhà hoạt động văn hoá, khoa học có tác phẩm, công trình, tên tuổi được thừa nhận trong và ngoài nước.

Trở lại chuyện GS. Cao Xuân Hạo, tôi cho rằng ông là một nhà khoa học như thế. Tên tuổi ông được khẳng định bằng sách vở cả trong nước và ở nước ngoài. Mở cỗ máy tìm kiếm http://www.google.com ra, sẽ thấy tên “Cao Xuân Hạo” được nhắc tới khoảng 9.300 lần. Không nghi ngờ gì, ông xứng đáng được đăng cáo phó ở Đài truyền hình Trung ương. Không nói, ai cũng biết giữa 15’ dành cho chương trình “Tạm biệt Vàng Anh” đầy tai tiếng và tốn kém với 1’ đăng cáo phó cho một nhà khoa học tên tuổi, việc nào đáng làm hơn!

Nhà đài cũng nên xem lại cái giá 30 triệu với 300 ngàn. Chênh lệch vật chất lớn quá rất dễ sinh ra đặc quyền đặc lợi, sinh ra tham nhũng. Có công thì được thuởng. Có việc thì phải bỏ tiền ra. Trong nền kinh tế thị trường này, mọi thành phần kinh tế nên bình đẳng như nhau. Có như vậy thì đất nước mới phát triển được. Nếu vì chỉ có một đài trung ương mà nhu cầu lớn quá thì có lẽ cũng nên chấp nhận cho mở đài truyền hình tư nhân. Nhà nước cần vượt qua cái mặc cảm lúc nào cũng lo lắng về an ninh chính trị. Trước đây, ta cấm “nghe đài địch” (thời những năm 60-80, một cái đài bán dẫn cũng phải đăng ký để quản lý); nay không nhắc đến cấm đoán đó nữa, ai nghe BBC thì cứ nghe, có thấy sao đâu, ngoại trừ việc nhận thức và trình độ dân trí tăng lên. Hoàn toàn có thể cho mở đài truyền hình tư nhân với điều kiện chỉ cho chuyên về giải trí, quảng cáo (và đăng cáo phó, tất nhiên). Lúc có đối thủ cạnh tranh nguồn quảng cáo, chắc hẳn VTV sẽ bớt độc quyền hơn, sẽ làm việc tốt hơn và có trách nhiệm cao hơn trước nhân dân và đất nước. 

Tư liệu hay:Thư Hoàng Xuân Hãn gửi đại tướng Võ Nguyên Giáp và thủ tướng Phạm Văn Đồng


 

Đây là bức thư cuối của học giả nổi tiếng: cụ Hoàng Xuân Hãn. Ông viết thư này gửi cho đại tướng Võ Nguyên Giáp (Văn) và cố thủ tướng Phạm Văn Đồng (Tô). Trong bối cảnh hiện nay, thiết tưởng bức thư vẫn mang tính thời sự.
Bức thư này trích từ cuốn "Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp" của Thụy Khuê, người được xem là nhà phê bình văn học hiện cư ngụ ở Pháp. Cuốn sách không có gì hay ho, nhưng có nhiều tư liệu quí.NVT

===


http://thuykhue.free.fr/hxh/index.html
Bức thư cuối cùng của Hoàng Xuân Hãn
Chú thích:
Chúng tôi phổ biến nguyên văn bức thư cuối cùng của Hoàng Xuân Hãn gửi cho Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Thư do Hoàng Xuân Hãn mang đến tòa Đại Sứ Việt Nam tại Paris, dịp tết Nguyên Đán năm 1996, trao tận tay, nhờ chuyển. Trên đường về nhà, ông trượt chân ngã, chuyển vào nhà thương, ít lâu sau mất.
Những đoạn quan trọng trong bức thư đã bị cắt bỏ (dòng in đậm) khi in lại trong nước (tất cả các báo và quyển sách la Sơn Yên Hồ...) và nhiều cơ quan truyền thông ở nước ngoài đã vin vào đó để lên án Hoàng Xuân Hãn. Chúng tôi đăng lại để thức giả hiểu rõ tâm trạng ông.
PARIS ngày mồng 2 tháng Giêng năm Bính Tý

Thân gửi anh VĂN (anh TÔ)

Thưa ANH

Đối với ANH đã nhậm trọng-trách trong nước, những kẻ đạt lời đến ANH, ắt dùng những tiếng xưng-hô cực long- trọng. Vậy tôi xin Anh thứ lỗi đã giữ lời xưng kín-đáo thân- mật trong buổi gian-nan để cùng nhau mừng năm mới và chúc Anh vẫn mạnh-khoẻ để trường thọ và chỉ-giáo cho con em. Chúng ta là những kẻ tủi-nhục cho nước khi trẻ, mà may-mắn hơn nhiều bạn, còn sống đến ngày nay, nhận thấy đất nước thống-nhất độc-lập. Nhưng lại sợ rằng lớp trẻ, hiện nay là sinh-lực của nước, sẽ chóng quên tủi nhục xưa và công lao những người như các Anh.

Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân. Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước.

Chính ngày nay, đức-tính ấy rất cần đối với những người cầm trọng-trách. Chắc rằng các Anh vân lưu-tâm về điểm ấy. Nhưng nhân-dân chớ quên công-lao những kẻ kia. Điều thứ hai tôi sợ là sự tư-lợi ngày nay làm giảm thế-khí của cán-bộ đối với người ngoài, họ mang tiền vào; có kẻ tưởng người mình vẫn "sợ" họ như xưa, cho nên họ tìm cách lung-lạc. Ví dụ töi được nghe nói rằng có công-ti lớn ngoài đầu-tư đã không muốn, như ta tưởng, phái sang nước ta làm đại-diện, những người gốc Việt mà họ có, vì nhiều duyên-cố, nhất là họ sợ mất "oai" vớ người Việt.

Nước ta nghèo ; mới độc-lập và thống-nhất. Vậy sự bảo-thủ đất-nước rất khó. Nước lại có nhiều dân-tộc thiểu-số, tuy tỉ-lệ nhỏ, nhưng ở những vùng kinh-tế quan trọng ở mé Bắc và và mé Tây, và cả tại trung-châu như Chàm và Khme khrom. Gương ngoại-bang xui-khiến hay giúp-rập không thiếu: Tchechene, Đöng-Âu, Tây-Á. Phi-Châu. Tôi nghĩ rằng phải tôn-trọng và ứng-dụng văn-hoá điạ-phương và coi đó là văn-hoá Việt-nam, đồng-hoá chóng về trình-độ kiến-thức và trà-trộn dân-tộc trong lúc tuyển-chọn cán-bộ. Nước Pháp đã giải-quyết được vấn-đề Bretons, Auvergnats, Alsaciens, Basques v.v. mà vấn-đề Irland ở Anh vẫn tồn-tại. Vấn-đề mặt bể và hải-phận thì nan-giải, nhưng phải đựa vào chính-sách ngoại-giao đối với một tối-cuờng-quöc láng-giềng. Nhưng dẫu thế nào thì một tiểu-hạm-đội rất cần, ít ra thì cũng phải giữ an-toàn khu du-lịch vịnh Hạ-long. Đối với Lào thì chớ quên rằng cuối đời Thuộc Pháp, Lào chỉ gồm vùng Nam-Chưởng và Vạn-tượng; sự an-toàn đất Việt về mặt Tây dã nhờ sự ấy. Đối với Khmer thì chắc các Anh đã biết đó là lỗ hở của nước ta đối Tây-Phương. Phải làm sao cho sự tuyên-truyền của họ rằng ta tiếp-tục chiëm lấn họ là mẹo chia rẽ để lấn-áp đất chung.

Về mặt kinh-tế, sự mở cửa cho ngoại-quốc đầu-tư là một sự dĩ-nhiên để dân mình có việc làm, học kĩ-thuật, học quản-lí, kiến-thiết hạ-tầng cơ-sở, nâng dần đời sống, và nhờ đó báo-đáp ít nhiều công-lao lãnh-đạo và nhân-dân. Nhưng các Anh cũng đồng-ý với tôi thà chịu thiệt-thòi chút ít bây giờ, chứ không để nợ lớn lâu dài về sau cho con cháu, đến mức không bao giờ trả hết lãi.

Cuối cùng, tôi muốn nói qua về vấn-đề bom hạt-nhân. Pháp vừa tuyên-bố dừng thử, Trung-quốc vẫn thí-nghiệm và làm. Nước ta không thể có; nhưng phải nghĩ đến lúc bất ngờ có địch-thủ lấy nó để đe-doạ mình thì làm sao? Đây không phải là một giả-thuyết suông. Trung-quốc hiện nay còn đe-doạ Đài-loan nếu xứ nầy tưởng dựa vào Hoa-kì mà tỏ thái-độ li-khai. Nếu lục-địa lấy bom hạt-nhân ra đe-doạ, Hoa-kì có can-thiệp vào nội-trị nước khác không? Ngoại-giao ta ắt có lúc phải chọn một nước lớn có bom hạt-nhân mà Trung-quốc sợ, để trở-ngại ý-đồ đe-doạ của địch.

Trên đây chỉ là mấy lời tầm-thường tôi xin góp làm vui câu chuyện đầu năm với ANH. Xin Anh đừng cười là những lời vô-trách-nhiệm. Nhân ngày tết, töi xin chúc tết ANH và cả nước; và xin gứi bài khai-bút năm nay để biểu-lộ lòng riêng. Rằng:

Tám chục may rồi sắp chín mươi
Sức chừng thêm đuối tính thêm luời
Sử nhà bạn cũ ôn không thẹn
Vận nước tình sâu mộng sẽ tươi
Văn ngữ thời xưa tìm kiếm gốc
Tinh hoa thuả mới gắng đua người
Tuổi cao nhưng chí còn trai trẻ
Mắt đọc tay biên miệng vẫn cười.

(Trên đây tôi dùng năm vần trong bài " Cảm ơn mừng thọ tám mươi " làm đã 9 năm rồi:)
" Tuổi-tác nay đà chẵn tám muơi
Đời ta ngắm lại lắm khóc cười
Thương tâm bốn bận binh đao thảm
Mộng mị nhiều phen hậu vận tươi
Bọt nước hư danh lòng chẳng bợn
Vốn nhà cố giữ chí không luời
Tri âm chẳng lọ so già trẻ
Xin dãi lòng son cảm tạ Người "

Kính chúc ANH và gia-quyến trong năm nầy mọi sự may-mắn tốt-lành.


HOÀNG-XUÂN-HÃN