Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

ĐỤC BỎ...VÀ HÀNG NGÀN HỌC SINH ĐIỂM 0 MÔN LỊCH SỬ Quốc Châu


 
  Thời gian gần đây, dư luận khắp nơi rất bất bình về những tấm bia khắc ghi LÒNG YÊU NƯỚC của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc Việt Nam BỊ ĐỤC BỎ. Đến việc mới đây, hàng nghìn học sinh bị ĐIỂM 0 MÔN LỊCH SỬ trong kì thi ĐH-CĐ đã gợi lên trong tôi (và có lẽ nhiều người nữa) nỗi niềm đau xót, nhục nhã, căm phẫn.
Đục bỏ lòng yêu nước 
Đầu tiên là, tấm bia ghi danh chiến thắng của quân đội Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược năm 1979 ở cầu Khánh Khê, Lạng Sơn bị đục bỏ nham nhở. Mấy chữ "Trung Quốc xâm lược" đã bị đục bỏ trên văn bia yêu nước.

  Ai đục bỏ lịch sử? Ai đã đục bỏ máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, dân tộc? Ai đục bỏ lòng yêu nước? Ai, ai, ai...?Đau xót thay!
 
Tiếp đến là gần đây, tấm bia ghi thơ Hồ Chí Minh ca ngợi công lao Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ chống giặc Tàu xâm lược đặt ở đền thờ “người anh hùng áo vải” trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An) cũng bị đục bỏ. Thay vào đó, là tấm bia ghi đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô.

Ai đục bỏ thơ lãnh tụ? Ai đục bỏ công lao chống giặc Tàu xâm lược của Hoàng đế Quang Trung? Ai đục bỏ lòng tự hào dân tộc? Đau đớn, nhục nhã thay!

Đến việc hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn Lịch sử


 Theo kết quả của các trường ĐH-CĐ vừa công bố mới đây thì đã có hàng nghìn học sinh bị điểm 0 môn Lịch sử trong kì thi ĐH-CĐ năm nay. Lý giải cho điều này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT-Phạm Vũ Luận lại cho rằng, đây là vấn đề bình thường, là chuyện của thời đại.  “Môn Lịch sử kém thu hút, điểm lịch sử thấp không phải chỉ ở Việt Nam, ở châu Á. Đó là chuyện của thời đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động…”.(Nguồn:Báo Điện tử Dân trí)
 
Công bằng mà nói thì ý kiến của Bộ trưởng không phải không có lý khi xét dưới góc độ thực dụng nghề nghiệp. Ai cũng biết, GV Lịch sử hiện nay đang thừa đầy ra đó, học Lịch sử nói riêng và các ngành khoa học xã hội-nhân văn ra trường khó xin việc làm và lương bổng không ăn thua. Nhưng chẳng lẽ, cứ để học sinh ngày càng "xa lánh" môn lịch sử, xa cách với Lịch sử dân tộc mà không có giải pháp gì sao?

"Không học lịch sử thì làm sao rút được những bài học từ  lịch sử và tránh những chiến tranh, những tàn sát, những cuộc diệt chủng như đã xảy ra trong quá khứ ?"-TS.Nguyễn Huỳnh Mai.

  Có ai đó đã nói rằng: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác". Việc ĐỤC BỎ những tấm bia ghi LÒNG YÊU NƯỚC tới việc hàng nghìn HỌC SINH BỊ ĐIỂM 0 MÔN LỊCH SỬ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai muốn quên đi quá khứ, muốn chối bỏ sự thật lịch sử, muốn đục bỏ lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc! Nếu chúng ta không sớm tỉnh ngộ ra thì hậu quả của nó sẽ thật khôn lường.

Quốc Châu
Chủ nhật ngày  31/7/2011  

LỄ HỢP TÁNG ĐOÀN THỊ ĐIỂM-NGUYỄN KIỀU SAU 250 NĂM PGS.TS Nguyễn Lân Cường


 

Khai quật mộ cổ Nguyễn Kiều Mộ Tiến sĩ Nguyễn Kiều không phải mộ ướp xác Bắt đầu khai quật mộ Tiến sỹ Nguyễn Kiều “Tái hợp” mộ phần vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm (TT&VH) - Thế là sau khoảng 250 năm, sáng qua 29/7 tại cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quân Tây Hồ, vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Kiều - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lại được “đoàn tụ” trong buổi lễ hợp táng.
34 năm trước GS. Viện sĩ Phạm Huy Thông, cùng các nhà khảo cổ: Đỗ Văn Ninh, Trịnh Cao Tưởng, Nguyễn Đình Truật đã về nghiên cứu ngôi mộ của cụ Nguyễn Kiều tại khu vực Vườn Đào, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ba người trong số đó nay không còn nữa. Như vậy là từ lâu lắm các nhà khảo cổ học đã quan tâm đến nấm mộ của cụ Nguyễn Kiều. Không phải chỉ có thế, hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 16/6 là dòng họ và bà con quanh vùng vẫn về hương khói cho cụ.

Mộ còn xương cốt và bia

Được sự cho phép của cơ quan chức năng, Hội Khảo cổ học VN đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật khẩn cấp mộ cụ Nguyễn Kiều tại khu vực Vườn Đào, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, nhằm giải phóng mặt bằng để Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, tiến hành thi công công trình phục vụ dân sinh. Chúng tôi vinh dự được nhận trách nhiệm chủ trì cuộc khai quật.

Ngày 24/7 cuộc khai quật bắt đầu và ngày 28/7 công việc trên hiện trường mới hoàn thành. Chỉ vẻn vẹn có 5 ngày, nhưng đoàn công tác của anh em chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp cuộc khai quật trong thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
 
Ngày 25 và 26/7 chúng tôi mở hố khai quật 30m2 và tiến hành phá nấm mộ có gạch xây bao xung quanh mà theo tấm bia to đặt trên mộ ghi năm 1931. Nấm mộ này dài: 2m43, rộng 1m5 và cao 1m74. Mộ nằm theo hướng bắc lệch đông 48 độ. Nằm sát ngay vách tây của hố khai quật, cách hàng gạch dưới cùng của nấm mộ 1m81, phát hiện được một chiếc bát úp trên một bình gốm nhỏ. Dựa vào kiểu dáng trang trí hoa văn và kích thước chúng tôi cho rằng 2 hiện vật này có niên đại rất muộn: cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Từ trắc diện cắt dọc, qua màu sắc của đất, chúng tôi phát hiện ra nấm mộ được cải táng ban đầu khá nhỏ, nằm lọt trong nấm mộ lớn. Có khả năng tấm bia nhỏ (bằng đá trắng, chữ đã bị mờ hết) là của nấm mộ nhỏ này. Từ lớp gạch cuối cùng của nấm mộ lớn xây năm 1931, đào sâu xuống 25cm, chúng tôi phát hiện tại khu vực giữa mộ dấu vết của huyệt mộ sắc cạnh và cân đối. Màu sắc phân biệt rất rõ ràng. Huyệt dài 1m12; rộng 0,49m. Trong huyệt lấp đầy cát. Xuống sâu hơn một chút gặp tiểu bằng gỗ hình chữ nhật nằm cân đối giữa huyệt. Chiều dài của tiểu 0,8m; rộng 0,25m. Chiều 26/7 chúng tôi phát hiện ra dấu vết của xương cẳng tay có lẽ là xương cẳng tay bên trái. Xương rất mủn nát. Nhưng ngay chính lúc đó cũng phát hiện ra nhiều con mối ở vùng giữa của tiểu. Tấm bia lớn, mấy chữ ở phần đáy bia bị mờ nên chưa thể đọc được là chữ gì.

Sáng ngày 27/7 anh Nguyễn Quang Hà - cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích thành cổ Cổ Loa đã mang giấy bản lên để dập bia. Thật vui mừng khi anh cho biết dòng cuối đã dịch được đó là: “Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí”. Cũng trong ngày 27/7 chúng tôi phát hiện được dấu tích xương của ngành hàm dưới bên phải và vòm của đỉnh sọ cụ Nguyễn Kiều. Thế là không thể nghi ngờ gì nữa. Đôi chỗ trong tiểu gỗ phát hiện thấy những vẩy sơn màu đỏ vàng. Có khả năng đây là dấu tích của vết sơn son tiểu gỗ cụ Nguyễn Kiều.

Di chuyển cả khối đất để bảo toàn xương cốt

Buổi chiều ngày 27/7 đoàn chúng tôi họp bàn để tháo gỡ một khó khăn. Mặc dầu ngay ngày 27/7 Ban QLDA đã mua về một chiếc tiểu sành có kích thước lớn nhất. Nhưng vì xương quá mủn nát, nếu dỡ xương ra rồi cho vào tiểu thì chắc chắn sẽ bị vỡ vụn. Phải giữ lại nguyên khối đất trong đó có giữ hài cốt của cụ Nguyễn Kiều, không dỡ lẻ tẻ từng phần xương. Nhưng áng chừng khối đất lại vượt quá kích thước của tiểu sành. Đoàn khai quật đã nhất trí với dòng họ và Ban QLDA là thửa ngay một tiểu mới bằng gỗ. Toàn bộ khối đất và xương trong tiểu cũ được đưa vào trong tiểu mới bằng gỗ này. Tiểu lại đặt trong một quách bằng gỗ vàng tâm có trang trí bên ngoài. Phía trên tiểu gỗ phủ vải đỏ.
 
Nghi lễ hợp táng vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Kiều - nữ sĩ Đoàn Thị Điểm
 

Ngày hôm sau, cán bộ khảo cổ đã cắt phần đất còn giữ di hài của cụ Nguyễn Kiều đặt trên một tấm ván cùng kích cỡ. 19g30 này 28/7 khi tiểu và quách được chở đến hố khai quật, mọi công việc dòng họ và chúng tôi đã hoàn tất một cách tốt đẹp theo đúng lộ trình.

“Đoàn tụ”

Thế là sau khoảng 250 năm, sáng qua 29/7 tại cụm 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quân Tây Hồ, vợ chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm lại được “đoàn tụ” trong buổi lễ hợp táng. Ngay từ mờ sáng, đội kèn trống, và đội tế cùng hàng trăm bà con trong thôn với những bộ trang phục lễ hội đẹp nhất đã tề tựu đông đủ để đưa cụ Nguyễn Kiều về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ trong sâu thẳm lòng mình tôi như thấy hai cụ mỉm cười mãn nguyện.

Chắc không sai, vì ai trong chúng ta cũng thật xúc động khi đọc bài văn tế của cụ viết về vợ mình - Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm:
 
“... Đào chưa tươi đã khô

Quế đang thơm đã rũ

Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu

Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ...”
 
Tôi hy vọng từ nay chính quyền địa phương, bà con trong dòng họ và nhân dân thôn Phú Xá, sẽ thay mặt nhân dân cả nước chăm lo cho phần mộ 2 cụ - hai THI NHÂN đã để lại những dấu son làm rạng rỡ nền văn học nước nhà.

Cụ Nguyễn Kiều còn có hiệu là Hạo Hiên ông sinh ngày 27/2/1695 và mất ngày 16/6/1752 (theo gia phả của dòng họ cung cấp). Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Thắng và Nguyễn Bá Thế, NXB Văn hoá xuất bản lần thứ tư vào năm 1997 ở trang 557 ghi cụ sinh năm 1694 và mất năm 1771. Theo tôi niên đại này không chính xác nhất là ngay mấy dòng dưới lại ghi “… có đi sứ Trung Quốc trong năm 1642”?
 
PGS.TS Nguyễn Lân Cường
Nguồn: thethaovanhoa
 
Chủ nhật ngày  31/7/2011  

KHÚC ĐƯA TIỄN HÀ TÂY Nguyễn Việt Long



TNc: Ngày 1-8 -2011 là ngày Hà Tây ra đi 3 năm. Nhớ ngày này cách đây 3 năm đúng ngày 1-7 tháng Ngâu, lại có nhật thực, lại có cơn mưa kì lạ. Trên con đường số 6 đoạn phân ranh giới Hà Nội - Hà Tây vào giờ Tý họ hạ gục tấm biển phân chia ranh giới. Và thế là một vùng văn hóa xứ Đoài đã thành thiên cổ. Để tưởng nhớ Hà Tây, trannhuong.com xin đưa lại bài văn tế rất hay này để chúng ta cùng đọc và nhơ về Hà Tây yêu quý...
  
Hỡi ơi !
Thế cục xoay vần càn khôn dời đổi, bước thịnh suy dễ mấy ai hay.
Mở cửa bốn phương Nam Bắc Tây Đông, luồng gió mới thổi qua miền quê lụa.
Đã từng trải bao phen sóng gió, tưởng vĩnh hằng trụ thế với thời gian.
Ai ngờ đâu bèo giạt mây tan, một Quyết định tiễn về miền ký ức.

Nhớ tỉnh xưa !
Sừng sững Ba Vì trấn biên cương phía bắc, thánh Tản Viên uy ngự chốn linh thiêng.
Một rẻo Tây Nam, mây nước miên man, Hương Tích mở một trời Phật pháp.
Dòng Đà giang độc lưu lên phương Bắc, sông Tích hiền luôn chảy xuống miền nam.
Dòng Đáy trong kết bạn với Nhuệ giang, ôm ấp trọn cả bình nguyên trù phú.
Suối Yên mơ ngọt ngào quyến rũ,  nụ cười ai ngây ngất nón ba tầm.
Tiếng ai ca vắt vẻo giữa rừng xuân,  trái mơ tròn mọng căng muôn điều ước.
Chùa Tây Phương giữa một miền non nước, bao năm rồi La Hán vẫn lặng im.
Đất Bối Khê cung kính vị thành hiền, nhận liền anh chùa Trăm gian linh ứng.
Trúc Lâm môn bàn tay ai xây dựng, Vũ Khắc Trường ngồi đó với thời gian.
Vũ Khắc Minh kế tục hóa kim cương, chùa Đậu lành trở thành miền cổ tích.
Đền Đông Quan thênh thang và cô tịch, khói hương say phơ phất chốn cửu trùng.
Tiếng đàn bay giữa đại lộ mênh mông,  nhịp phách tiên nâng hồn người lên cội.
Dòng Nhị Hà xôn xao sóng dội, phù sa hồng kết thành bãi tự nhiên.
Có ai người dội gáo nước thiêng, thăng hoa hết tình yêu và số phận.
Thấy đâu đây túp lều tranh yên ấm, trái tim vàng Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Sáo diều ai tha thiết giữa từng không, hay khúc hát quần tiên ngày khánh hội
Đất Đường Lâm bàn tay ai đắp đổi, đá ong thay ngôi vị của hai vua.
Dòng sữa nào nuôi dưỡng tự ngàn xưa , phủ Thường Tín sinh 63 tiến sĩ,
Núi sông hùng vĩ, đất anh linh vạn thuở vẫn anh linh
Thiên địa tinh minh, đời khang thái muôn năm còn khang thái.
Lụa Hàng Vân bàn tay ai kết sợi, áng tơ mềm vấn vít đất Hà Đông
Gạo tám thơm dâng ngan ngát hương nồng, ai là người ươm gieo miền Chợ Cháy.
Vành nón xinh nghiêng nụ cười con gái, ai là người cặm cụi giữa làng Chuông.
Bàn tay ai đơm kết sợi chỉ hồng, thu hương sắc về khung thêu Quất Động.
Cả vũ trụ bao la thơ mộng, tranh sơn mài Duyên Thái gói vào trong.
Muôn thần linh Nam Bắc Tây Đông, thợ Sơn Đồng gọi về từ gỗ đá.
Ai hữu duyên xin về miền Trạch Xá, tà áo dài bay hương sắc Việt Nam.
Đất Phú Vinh chau chuốt mỗi sợi nan, kết mây tre thành điệu huyền vĩnh cửu.
Mộc Chàng Sơn đem phụng long hoa điểu, châu tuần về tô điểm cõi linh thiêng.
Tiếng thoi ai rắc ngọc đất quê hiền, khách tha hồ nhặt gom từ Phùng Xá.
Con ốc nào mang trời mây biển cả, thổi hồn vào đồ khảm làng chuyên.
Bàn tay nào nơi Thượng Hiệp bình yên, điểm linh nhân cho muôn loài muông thú.
Giang sơn quyến rũ
Nhân vật tài hoa
Muôn năm rồi theo bước ông cha, vì Thủ đô mang thân làm cửa ngõ.
Tấm lòng son trời cao còn soi tỏ, gậy Trường Sơn in dấu đất quê hương.
Chiến tranh ư, trai tráng khắp làng thôn nắm tay nhau hát bài ca vệ quốc.
Bỏ lại sau mái tranh nghèo xơ xác, nguyện đem về cho Tổ quốc quang vinh.
Hồn bay theo cánh gió đại ngàn, sá chi thân vùi sâu ba thước đất.
Tấm bia lạnh nơi nấm mồ đóng chặt, lại mở ra cả chân lý tự do.
Hòa bình ư, lại hát khúc đưa đò, lái thuyền đời vào giữa dòng đổi mới.
Đất ông cha ông đã bao lần đắp đổi, nay hiến dâng cho sự nghiệp sang trang.
Dù chẳng còn đâu nữa lũy tre làng, dù sáo diều không còn nơi ca hát.
Dù thôn hương không còn đường gạch lát, dù chơi vơi giữa thế giới thương trường.
Chỉ một tấm lòng chan chứa yêu thương
Luôn đấy ắp dù vơi đầy sức sống.  

Than ôi !
Núi vẫn cao, trời xanh kia vẫn rộng, mà địa đồ rơi mất chữ Hà Tây !
Đông còn đây, Đoài vẫn còn đây, mà ngơ ngác giữa phố phường Hà Nội.
Cô gái quê dịu hiền nơi bến đợi  đã sang sông xao xuyến một chuyến đò.
Niềm vui kia chẳng khỏa hết âu lo, phận làm dâu mấy người họa hay phúc.
Chốn quan trường bị một phen chen chúc, còn công đường hay ké ghế ngồi chơi.
Chốn dân thôn nghe ngóng khắp mọi nơi, còn ruộng đất hay hóa thành vô sản.
Đã chao đảo mấy phen hợp tán, liệu còn không khi biến ngõ thành nhà.
Hạnh phúc chăng khi thuyền mới ghé qua, phận làm hai đã bá truyền đại chúng.
Ai bảo rằng cứ nhà cao cửa rộng, hạnh phúc hơn trong một mái tranh nghèo.
Ai bảo rằng kể cả chẳng reo neo, khi chứng kiến người giầu kia cũng khóc.

Nhưng thôi thôi !
Chân đã bước có nề chi khó nhọc, ai bảo rằng phận dưới chẳng có công.
Hồi môn kia cả mảnh đất danh hương, ai dám nói Thủ đô không nhờ cậy.
Sông Hồng dữ có hiền hòa sông Đáy, Ba Vì thiêng nâng đỡ núi Nùng linh.
Chùa Một Cột như một đóa sen hồng được hái về từ Phật đài Hương Tích
Dáng ai đi trong ngàn năm thanh lịch , tà áo nào không phải lụa Hà Đông.
Nhà ai cao ngất ngưởng giữa không trung, móng nào xây trên đất miền Hòa Lạc.
Khách viễn du không chồn chân ngơ ngác giữa bốn bề mái ngói xô nghiêng.
Tới Thủ đô có thủy bộ đôi bên dắt hồn vào bao miền hương sắc
Đáo giang tùy khúc, luôn nhớ câu Hữu xạ tự nhiên hương.
Nhất phẩm thiên lương từng ghi dạ Phúc đức tòng tại mẫu.
Đem thân về cùng Thủ đô yêu dấu cũng tự hào hộ đối môn đăng
Bỏ lại sau một quá khứ mênh mông, tránh sao khỏi chút niềm day dứt.
Hà Tây ơi ! Đưa người về một miền kí ức, nghe vẫn còn Bóng chiếc thoi đưa
Hay đời thường sớm nắng chiều mưa, chỉ sông Tích, sông Đà giăng lụa
Nguyễn Khắc Hiếu như còn ngồi đâu đó, gom Tản Đà sông núi thành tên.
Ức Trai xưa vẫn sừng sững uy nghiêm, cõi tâm thượng như sao Khuê buổi sớm.
Cánh hạc trắng bay vào miền quên lãng, có ai người thổi đến một áng mây.
Chẳng thấy ai nâng chén rượu đưa cay, chỉ sương lạnh ướt đầm trên lối cỏ.
Tiễn người đi thắp hương lòng cháy đỏ, cho tình đời bát ngát một trời thương.
Cho lời ca tràn khắp nẻo văn chương, dựng tượng đài trong trập trùng bể nhớ.
Dù ở đâu giữa đất trời muôn thuở.
Xin Người về chứng giám Hà Tây ơi !

Thượng hưởng !
 
Chủ nhật ngày  31/7/2011  

THỨC HẠ - CẢM THỨC THIÊN NHIÊN Trần Trung


 
(Về tập thơ “Thức hạ” của Cao Ngọc Thắng)
 

Trong ba năm liền, Cao Ngọc Thắng trình làng ba tập thơ: “Bẻ gió” (2009), “Giao mùa” (2010), “Thức hạ” (2011). Hình như, có một thứ bức xúc thông điệp tâm tình của nhà thơ họ Cao. Mà, người viết bài bình này hình như (lại hình như!) đã đọc ra. Ấy là thứ điệp khúc vừa lặp lại vừa lan tỏa – một cách cảm thức thiên nhiên nhất quán và biến hóa trong con-mắt-thơ Cao Ngọc Thắng.
Nếu, trong bài thơ “Giao mùa” (cũng là tên của tập thơ), Cao Ngọc Thắng có cách cảm nhận, cảm thức thiên nhiên khá “độc” - Ấy là sự trộn hòa thời gian, không gian – vừa theo quy luật tự nhiên, lại vừa biến hóa theo cách nhìn, cách cảm của thi sĩ:
...
Thu se nhớ thương
Cúc chờ mở rượu
Giục
Đông
Ủ ấm men nồng
...
Chim chích
Vo tròn
Giọt xuân
Những lời thơ ấy đâu phải chỉ là sự xô đẩy, giãn câu, giãn chữ để làm duyên, làm lạ. Đó là cái cách thông tin xúc cảm cùng nghĩ suy của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp đa chiều, đa sắc màu từ thiên nhiên-đất trời.
Thì, trong “Thức hạ”, hãy cảm nhận nắng từ Cao Ngọc Thắng, theo Cao Ngọc Thắng:
Nàng Bân rét nhụy tháng ba
Thương sao cái rét bà già còng lưng
Đầu năm màu nắng khập khừng
Nắng nhoe tan nỗi lừng chừng gió đông
                                                                 (Nắng I)
Thiên nhiên-khách quan-có! Thiên nhiên trong vẻ đẹp của sắc màu, đường nét và hình vẻ... Điều đáng nói là thiên nhiên hòa đồng và tương hợp với nét vẻ con Người (Người viết hoa!) trong dáng vẻ bên ngoài và chiều sâu của nội tâm, của cảm-xúc-Người. Hoặc, có thể lại là một cách biến thể khác:
Nắng dìu cẩm chướng
Trăng dâng quỳnh nở
Nhài nép góc vườn
                                                                           (Thân phận)
Ba dòng thơ mang sắc vẻ hồn của ba loài hoa: cẩm chướng-quỳnh-nhài. Mà, đâu chỉ là cảm nhận, cảm thức về hoa-thiên-nhiên; còn đánh thức nhận biết về Hoa-Người. Thế nên, thơ cực ngắn của Cao Ngọc Thắng đạt được độ chín của chữ, của hình ảnh, của trí và của cả “tít” thơ nữa! Mà, lại viết như bất chợt, như chơi chơi...
Cũng bởi thế, trong sự bừng rực của thiên nhiên, đất trời mỗi khi hạ về, lại là sự đánh thức rất đa dạng, đa chiều của đời sống thiên nhiên cùng đời sống nội tâm của con người:
Ngày từng khắc đi qua
Đêm chồn chân chờ sáng
Gà gáy sấm ầm ì
Mưa đầu mùa
                       thức hạ            
(Hạ I)
Hai tiếng “thức hạ” được lơi xuống một dòng thơ, chất chứa và tỏa giăng nhiều chiều trong cảm thức về thiên nhiên và con người của Cao.
Có thể khái quát về một luận-điểm-thơ của Cao Ngọc Thắng là: thiên nhiên đẹp (hoặc đau-buồn-khát-vọng) không hề tách rời với con người, không tách rời với thế giới nhân sinh, với nhân tình thế thái...
Một nét ý vị và tinh tế trong cảm thức về thiên nhiên của thi sĩ họ Cao còn là ở chỗ - anh chiếu một góc nhìn có chiều sâu của thiên nhiên, từ thiên nhiên. Mà, điều thú vị, đấy là thiên nhiên kết tụ tinh hoa của miền đất, vùng đất. Nét tao nhã, thanh lịch của đất Thăng Long-Hà Nội như chạm khắc, như lan tỏa thứ hương riêng dịu đằm trong những câu thơ này:
Chửa dậy mùa
hương cốm
núp lá sen
đợi
(Đợi)
Từ tên bài thơ đến từng con chữ của Thắng ở bài thơ này (và một số bài khác nữa trong tập) như đang loang loang, ngân nga từ hình ảnh thiên nhiên đến giai-điệu-hồn của một miền đất và con người. Có thể trình ra đây những lời thơ trong trường nghĩa và trường liên tưởng ấy:
Sóng sánh mùa
Lừ đừ sông
Trầm điệu nhạc
(Giai điệu)
Cúc đơm hoa
Nắng cốm
Sóng sợi rơm
(Nắng IV)
Kia kìa... lá bay
Đây này tóc rối
Mơn man vồi vội
Hôn trượt môi hồng
(Gió I)
Nhìn ngắm thiên nhiên, mượn thiên nhiên mà ký thác tâm tư của thi sĩ – âu cũng là vẻ đẹp và chiều sâu thi ca của thi nhân kim-cổ. Có thể đắm chìm vào thiên nhiên: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp – thơ Hồ Chí Minh). Nhưng, từ chính thiên nhiên lại mở sáng cho con người niềm tin, vui và hy vọng, khát vọng. Thế nên, tôi thích cái chất sáng, khỏe, vui đời của Cao Ngọc Thắng trong tập thơ “Thức hạ”. Cao Ngọc Thắng đã đem đến cho bạn đọc chiều hướng cảm thức sung sướng, thích thú khi đến với thiên nhiên:
Đêm trườn qua giấc ngủ
Thạch sùng tặc lưỡi
Bình minh ngoài hiên
(Tiếp ngày)
Giá khi mặt trời mọc
Chúng mình nhặt sỏi thia lia
Những vòng sóng chập chờn tan hợp
Đôi thiên nga tắm nắng
                                       Ô kìa...!
(Ước)
Quy luật muôn đời của nghệ thuật đích thực là sự sáng tạo – sáng tạo từ trên cái nền cổ điển – mẫu mực của nghệ thuật truyền thống. Với Cao Ngọc Thắng, tập “Thức hạ” trong cảm thức về thiên nhiên (vốn là nguồn cảm hứng mang tính cổ điển!), anh có đóng góp mang tính sáng tạo riêng – trong cả nội dung cảm suy và hình thức biểu hiện của ngôn từ, hình ảnh. Đáng quý và thích là ở chỗ, ở chiều hướng hết sức kiệm lời – mà thế mới tạo nên tính hàm súc, tạo nên sức gợi đa chiều. Phải chăng, đấy là phẩm chất muôn đời của nghệ thuật – thi ca. Mà, sự chạm đến phẩm chất muôn đời ấy là không có điểm dừng trong sáng tạo.
                                                                                                               Hà Nội, 13-7-2011
Thứ năm ngày  21/7/2011  
Quay lại trang trước CÁC BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC :

Truyện ngắn: “Đò quen” của Cao Ngọc Thắng


18-07-2011 11:19:15 AM
Tôi rời làng lên thành phố học đại học năm mười bảy tuổi. Hôm ra đi là một ngày nắng đẹp. Nắng thu óng ả. Cảnh vật ánh lên màu vàng tươi. Và gió mơn man ve vuốt. Đứng trên triền đê tôi ngoái nhìn lại. Làng tôi ở phía bên kia sông, khuất sau bờ đê đối diện. Dưới sông, con đò tôi vừa ở đó lên đã quay mũi. Nó tiếp tục làm chuyến cắt ngang dòng chảy. Lúc ấy, ngắm con đò rướn mình vượt dòng nước cản, tôi chợt phát hiện một điều mà trước đó chưa bao giờ thấy ai nói đến: thời gian và nước chảy, con thuyền ngày càng cũ đi, mòn vẹt, vá víu, nhưng không thể nào tạo được một lối mòn trên mặt sông. Bây giờ nghĩ lại thấy cái điều phát hiện ngày ấy thật là vu vơ, song cũng thật lãng mạn, hồn nhiên, nay ở tuổi ngoài bốn mươi chẳng thể nghĩ như vậy được nữa.
Cuộc đời dạy học trên bốn chục năm của bố tôi, cũng như con đò ngang, không hề để lại lối mòn nào trong sự nghiệp trồng người. Ông là khách quen của người đưa đò. Hai chục năm trước đã đành, nhưng hai chục năm sau khi làng tôi đã có trường học, bố tôi vẫn không chịu chuyển về dạy bên này, mà hằng ngày đều đặn sang sông gõ đầu trẻ làng khác. Mẹ con tôi góp ý thì ông thủng thẳng: “Dạy học thì ở đâu chẳng được”. “Dưng mà”, mẹ tôi nói tiếp, “thầy nó cứ đi về như vậy vất vả”. “Tôi quen rồi. Lòng mà không thấy nhọc thì đâu có vất vả”. Từ đấy mẹ tôi không bao giờ nhắc lại chuyện chuyển trường của ông nữa.
Bố tôi và người lái đò là bạn đồng tuế, quê ở hai làng đối diện con sông. Hằng ngày, trừ những dịp nghỉ, hai người lại gặp nhau, ngồi với nhau trên con đò hai lần, thế mà chuyện họ nói với nhau không cạn, mùa nước xuống câu chuyện có thể ngắn hơn một chút so với mùa nước lớn, ngày nắng cũng như ngày mưa, trời nắng nóng cũng như mưa phùn gió bấc, cứ râm ran lẫn vào nhịp chèo khỏa nước. Hai người miệt mài thực hiện những chuyến cắt ngang dòng sông suốt bao năm ròng mà không lặp lại trên mặt nước bất cứ một lối mòn nào, chỉ có thời gian bào mòn sức lực của họ, nhuộm bạc mái tóc và chạm trổ trên gương mặt họ những nếp nhăn đậm nhạt, ngắn dài của những buồn đau, vất vả. So với bố tôi, gương mặt người lái đò nhầu nhĩ hơn, nhưng lại săn chắc hơn. Tôi biết, qua lời kể của bố tôi, cuộc đời người lái đò rất lận đận, hoàn cảnh hết sức gieo neo, chỉ riêng chuyện ông lấy vợ đã đầy éo le. Ông không được hưởng tình yêu như nhiều người khác. Người vợ đầu tiên ông cưới chạy tang mẹ. Khi ấy ông chưa đầy mười chín tuổi, mới tốt nghiệp phổ thông. Mẹ ông bị bệnh, nằm một chỗ đã hơn hai năm, nay vào cơn hấp hối. Trước tình trạng lâm chung của mẹ ông, bố ông nhờ mối manh để cưới vợ cho ông. Việc chẳng thể đừng, ông cưới vợ để làm tròn nghĩa hiếu ngay trước giờ người mẹ tạ thế. Sự việc diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Vợ ông hơn ông bốn tuổi, người xóm dưới. Người đàn bà đó khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng đanh đá, chua ngoa, người cùng làng không ai sánh nổi. Chung sống với người đàn bà ấy ông chịu đựng tất, kể cả việc bà ta day dả, nhiếc móc những điều mà ngay cả trong suy nghĩ ông cũng chưa bao giờ xuất hiện. Ông bỏ qua để giữ sự yên thân. Bản tính ông vốn thế. Có lẽ vì vậy bà vợ chê ông đụt và bỏ đi mất hút sau chưa đầy hai năm tạm trú nhà chồng. Ông không đau buồn vì chuyện vợ bỏ đi, trái lại như trút được gánh nặng đầu đời. Ông mua lại con đò của một người lái đò đã già nua, không có người kế tục. Ông trở thành người chèo đò ngang đúng lúc bố tôi tốt nghiệp trường sư phạm về dạy ở trường đặt tại làng ông. Mấy năm sau ông lấy vợ lần thứ hai. Cũng chẳng kịp yêu đương gì. Mọi người trong làng vun vào rồi thành vợ thành chồng một cách chóng vánh. Được cái người đàn bà này nết na, thùy mị và kiệm nhời lắm. Họ sống với nhau êm đềm, nhường nhịn, nghèo túng không kêu ca, khó nhọc chẳng cằn nhằn. Nhưng số ông khổ, gặp phải người đàn bà phận mỏng. Bà mất ngay trên bàn đẻ sau cơn đau quằn quại kéo dài qua ngày trắng đêm, may mà cứu được đứa trẻ sắp ngạt thở trong bụng mẹ. Đó là đứa con duy nhất của ông. Ông rơi vào tình cảnh bi đát: một mình nuôi đứa con trai đỏ hỏn và ông bố cao tuổi lại lòa cả hai mắt. Ông buộc phải tục huyền, lấy vợ lần thứ ba, để có người đỡ gánh nặng đè trĩu cuộc đời chưa đầy ba mươi tuổi nhọc nhằn. Đứa con trai của ông lớn lên nhờ sữa của những người đàn bà đang nuôi con nhỏ trong làng. Họ rẽ qua nhà ông, tong tả nhét bầu vú lặc lè vào miệng thằng bé, rồi lại tong tả đi đâu đó. Thằng bé nằm tềnh hễnh trên chiếc chiếu trải dưới nền đất cứng, chỉ có manh áo chứ chẳng có tã lót gì, huơ cẳng tay cẳng chân nần nẫn từng khúc, chán rồi tự động ngủ một giấc ngon lành, chẳng có lời ru tiếng nựng, lúc mót thì tự động tè vọt cầu vồng. Mẹ kế của nó thoải mái mò mẫm công việc quanh quất trong túp nhà hoặc đâu đó ngoài vườn, không hề để mắt tới đứa trẻ. Ông nội của nó thì ngồi thu lu im lặng suốt ngày vì mắt lòa không thể động tay động chân vào việc gì.
Cuộc sống của gia đình ông lái đò cứ thế trôi đi trong buồn tẻ. Nhưng, như thể ông trời đầy đọa ông vẫn chưa đã đời. Được dăm năm, sau đám tang người cha, người vợ thứ ba của ông đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra ốm. Qua một trận sốt cao, cơ thể giật đùng đùng, cô ta thành ra người lẩn thẩn, ăn không biết no, người đẫy ra, việc nhà bỏ bễ. May mà lúc này thằng con trai ông đã biết lối sang nhà hàng xóm, tha thẩn, đến bữa gặp đâu ăn đấy; nó rất ngoan nên ai cũng thương cũng quý, không nỡ để nó đứt bữa.
Rất thương bạn nhưng bố tôi cũng không biết làm cách nào giúp bạn gỡ những nút buộc rối rắm của cuộc đời. Ông chỉ biết lấy những câu chuyện tâm tình hòng xoa dịu nỗi đau của bạn, thành thử cuộc chuyện trò của hai người trên những chuyến đò qua lại cắt ngang dòng sông dường như vô tận. Hai người coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, như không khí phải hít thở hằng ngày.
Dòng sông cắt dọc hai quê, lúc nổi cuộn dữ dằn, khi hiền hòa phẳng lặng, cứ thế đưa những câu chuyện hằng ngày của hai người, bố tôi và người lái đò, đi mãi, đi mãi, một phần nào chắc đã ra tới biển cả, những mấy chục năm rồi còn gì; và, không chừng trên đường đi ấy đã có những mảnh chuyện được phù sa bồi lên, lắng xuống, hoặc rẽ ngoặt theo những con mương để rồi mắc lại trong những thửa ruộng khi người ta tưới nước cho lúa, khoai. Bố tôi bảo, mỗi khi đi được một đường cày, người nông dân dừng lại, quệt mồ hôi và nhìn sá cày mới lật, họ sẽ cảm nhận được sự gửi gắm của tổ tiên, ông cha từ bao đời, để hiểu ra cái lẽ tồn tại của chính mình trong cõi nhân gian, rằng sự tồn tại ấy gánh chịu bao nhiêu là khắc nghiệt, thấm hút bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, mà rồi vẫn nuôi bao nhiêu là hy vọng để đổi lại cũng bao nhiêu là thất vọng.
Bố tôi bảo, cho đến tận bây giờ, nỗi khổ của bạn ông, người lái đò, cứ chồng chất trùm lấp lên nhau, không khổ đau nào giống khổ đau nào, ép cơ thể cường tráng của ông dúm dó, vít ông gập xuống. Bố tôi nói, nỗi khổ đau của mỗi cuộc đời con người vì thế cũng không có lối mòn, mà cũng vì thế bạn ông, trong cuộc vượt thoát khổ ải đã thâm trầm tích phúc, tích đức. Cơ cực là vậy, nhưng từ ngày làm bạn với nhau, bố tôi chưa hề thấy bạn ông làm bất cứ chuyện gì thất đức, chưa bao giờ lấy bất cứ cái gì không phải là của mình, không thù giận bất cứ ai, không hề than vãn bất cứ nỗi bất hạnh nào của mình. Không phải tâm hồn ông đóng băng. Bảo ông là an phận cũng đúng, song cũng không hoàn toàn như thế. Trong những câu chuyện trên con đò ngày ngày cắt ngang dòng sông, thi thoảng ông tâm sự với bố tôi về những ước mơ, dù nhỏ nhoi đến mấy cũng là ước mơ, dành cho đứa con trai duy nhất. Ông hy vọng nó  thành người, có thành người mới có thể đổi đời cho chính mình. Ông không muốn cái hiện tại tuổi thơ mất mát, đau khổ sau này trở thành vật cản, níu kéo nó, dằn vặt nó, mà nó phải vùng lên từ chính cái dĩ vãng ngặt nghèo. Ông tin con trai ông sẽ thực hiện được tâm nguyện của ông, vì một lý do rất giản dị: ông có người bạn là bố tôi. Ông nhờ bố tôi kèm cặp, dưỡng dục thằng bé, cũng tức là nhờ bố tôi giúp đỡ chính ông. Thế mới biết, bố tôi nói, con người ta sinh ra là để lo cho đời sau, nhiều hơn lo cho chính mình; có lẽ vì thế, vì hậu thế, nên con người ta luôn luôn nuôi hy vọng, và những hy vọng ấy gắn liền với âu lo, trăn trở, day dứt và không thoát khỏi nỗi sợ hãi, có khi âm thầm giấu kín, đôi lúc thể hiện bằng hành động, nhẫn nhịn hoặc nộ ngôn, nộ khí. Hoàn cảnh đã đẩy bạn ông, người lái đò, vào chỗ tăm tối. Nhưng cũng chính bạn ông lại tự mình dấn sâu vào hoàn cảnh tối tăm hơn. Bạn ông nhận ra bài học cay đắng này thì đã quá muộn. Bác thương tôi, người lái đò nói với bố tôi, thì bác giúp tôi chuyện này, tôi chỉ có mình nó, chỉ hy vọng mỗi nó. Chuyện này là người lái đò nói tới chuyện học hành của con trai ông, ông nhờ bố tôi rèn cặp giúp nó. Vì không có cái sở học, người lái đò tâm sự ruột gan với bố tôi, học không đến nơi đến chốn, không biết nghiền ngẫm, thì đời nó cũng lại ngắn ngủi, hèn đớn, cạn cợt như cái kiếp tôi mà thôi. Nhận lời với bạn, bố tôi nhất quyết không chuyển về dạy ở trường làng, hằng ngày vẫn xách chiếc cặp ba dây cùng chồng giáo án cũ rích, ngồi đò cắt ngang dòng sông, sang làng quê bạn gõ đầu lũ trẻ, trong đó có con trai của bạn. Chuyện này bố tôi không nói cho mẹ con tôi, mãi sau này tôi mới biết.
Con trai người lái đò hơn tôi một tuổi. Hai đứa chúng tôi đã có những năm học chung lớp, khi làng tôi chưa mở trường. Thày giáo dạy chúng tôi chính là bố tôi. Ông chăm bẵm việc học hành của hai đứa chúng tôi có phần hơn những trò khác, tất nhiên, ở chỗ nghiêm khắc hơn, yêu cầu cao hơn, giao bài tập nhiều hơn, kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ về khả năng nhận thức, suy đoán, lòng tự tin, mà cả cách trình bày phải sáng sủa, mạch lạc. Thời gian cùng học, con trai người lái đò không thực sự xuất sắc bằng tôi, cũng dễ hiểu. Nhưng, cậu ta thể hiện ý chí vươn lên rất rõ rệt, có phần hơn tôi. Cậu ta viết không đẹp, song giữ gìn sách vở sạch sẽ. Cậu ta ít nói, như bố mình vậy, nhưng chăm hỏi, hỏi kỳ hiểu mới thôi. Tình bạn tri kỷ của hai ông bố đã dần dà truyền sang hai đứa chúng tôi, kết chúng tôi thành hai người bạn gắn bó. Khi tôi chuyển về học trường làng, chúng tôi vẫn thường xuyên sang chơi với nhau trên con đò do chính bố của bạn chèo lái. Tôi biết, thời gian không cùng học là lúc bạn tôi nỗ lực, gắng gỏi một cách kiên trì, âm thầm thi đua cùng tôi. Và năm đó, hai đứa chúng tôi cùng thi đỗ vào đại học. Bạn tôi nhập trường trước, tôi rời làng quê sau một tuần. ở lại, hai ông bố vẫn người nào việc nấy, người dạy học, người chèo đò, và cả hai tiếp tục những câu chuyện trên những chuyến đò cắt ngang dòng sông. Con sông, lúc êm đềm khi gồng mình, nhẫn nại chở những câu chuyện của hai người bạn đi tới chân trời góc bể hoang xa.
*
“Một ngày nào đó, tôi sẽ đưa anh về thăm quê tôi”. Tôi rất mong đợi ngày đó để có dịp hiểu thêm câu chuyện mà bạn tôi đã kể cho nghe.
Chúng tôi ngồi trên vạt cỏ mép sông. Chiều hè. Gió lộng. Tầm mắt thoáng đãng. Những khối bê tông to vật sừng sững, chia cắt dòng chảy. Đó là những mố trụ sẵn sàng đón những chiếc dầm bê tông gối lên. Một chiếc cầu bê tông, chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn thành, nối hai bờ con sông gần lại. Cách chân cầu tương lai không xa, một con đò đang dướn mình, chuẩn bị cập bến bờ bên này óng ả. Tôi quay nhìn, ánh mắt bạn tôi tránh ánh mắt của tôi.
“Anh có nhìn thấy chỗ lở ở bờ bên kia không”. Thực ra đó không phải là một câu hỏi. Bạn tôi nói tiếp: “Chỗ ấy đã mất đi một mảng ký ức về cuộc đời. Trong đó có cả một phần ký ức về đồng đất và con người quê tôi”. Im lặng. Gió lồng lộng. Cỏ may rối tung. “Nhưng không sao. Nó rời chỗ này để rồi lưu lại ở nơi nào đó...”. Dường như gió đang thầm thì...
Bầu trời đã nghiêng xuống. Những tia nắng nhảy nhót trên mặt nước, vơi dần. Và, trong khoảnh khắc, nền trời chuyển từ màu tím hồng sang màu xanh cô-ban. Dòng sông lịm dần.
“Phải trải qua chặng đường đời khá dài tôi mới biết cách ngồi suy nghĩ cùng dòng sông như lời khuyên của bố tôi ngày trước. Dạo tôi chuẩn bị vào đại học, bố tôi bảo: muốn hiểu cuộc đời hãy tìm hiểu dòng sông”.
“Thế, còn về lối mòn thì sao?”. Đến lúc này tôi mới cất lên câu hỏi. “Thì ra anh vẫn còn nhớ chuyện ấy à!”, bạn tôi trả lời. “Dòng sông nói với tôi rằng, cuộc đời không bao giờ có lối mòn, chỉ có suy nghĩ của con người mới bị đóng khung theo lối mòn mà thôi”.
Hoàng hôn chưa tắt hẳn. Trên sông, con đò cựa mình quay mũi hướng về phía bờ bên kia, chuẩn bị cắt ngang dòng nước chuyển mùa trong những chuyến bơi cuối cùng...
(Nguồn Văn nghệ)


Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Điều chưa từng thấy trong giáo dục


Hôm nay thấy bài này ("Điều chưa từng thấy trong giáo dục" đăng trên SGTT) bạn bè chuyền nhau đọc. Tôi thường hay đọc và quí ý kiến của anh Hãn. Những bất cập về sách giáo khoa anh ấy nêu lên đều đúng hết. Vậy mà chẳng hiểu sao người ta chẳng nghe anh ấy để mà thay đổi. Đọc bài này, tôi chú ý đoạn:

“Năm nay, đạo hàm được chuyển từ lớp 12 xuống lớp 11, còn hai hàm số mũ, hàm số loga lại chuyển lên lớp 12, sau lại học đạo hàm, vừa rối vừa không liên tục.”
Đúng là có vấn đề. Tôi xem lại sách giáo khoa ngoài này thì thấy năm lớp 11 học sinh phải học đạo hàm và tích phân về các hàm số mũ và logarithm. Năm lớp 12 thì tiếp tục học đạo hàm và tích phân về các hàm số lượng giác. Mà, họ viết sách rất dễ hiểu, ngay cả ai ngán hai môn này cũng đều có thể hiểu và làm được.

Anh Hãn còn cho biết:

“Ít ai rõ, đã vay tiền nước ngoài là họ có dịp vào chỉ đạo, xin dẫn một công văn số 10329/VP do thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo ký ngày 10.11.2000, triệu tập các tác giả biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên đến để người nước ngoài tập huấn. Một chỉnh thể khoa học, lại sử dụng cách tiếp cận tiểu nông (cắt khúc cuốn chiếu) cùng với đồng tiền vay và chỉ đạo từ bên ngoài, thì những sai sót mà nhà xuất bản Giáo Dục phải chỉnh sửa triền miên là khó có thể tránh khỏi.”
Soạn sách giáo khoa cho học sinh trung học mà còn bị người nước ngoài chỉ đạo và cầm tay chỉ cách làm thì quả là ... nhục! Tình hình này chả trách học sinh ta càng ngày càng …

NVT

===

Nhân sự khoa bảng trong đại học Việt Nam


Mấy ngày nay, các đại học -- qua báo chí -- kêu ca thiếu nhân sự giảng dạy ở các đại học. Thật ra, đây là chuyện thường ngày ở nước ta, chứ có gì mới đâu. Có mới chăng là trong vài năm gần đây, nước ta có quá nhiều đại học ra đời (có người mỉa mai nói là "đại học mọc lên như nấm"), thì việc thiếu giảng viên và giáo sư là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Nhưng vấn đề là các "đại học" mới ra đời đó có xứng đáng gọi là đại học hay không mới là vấn đề. Không hiểu nổi tại sao Bộ GDĐT cho phép lập đại học mà không có cơ chế để kiểm tra chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất. Tôi nghĩ nước ta cần nhiều trường cao đẳng và dạy nghề hơn là cần đại học.

Hôm nay thấy báo Tuổi Trẻ có bài này với vài thống kê thú vị.
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=279771&ChannelID=13

Theo bài báo này, năm học 2007-2008, cả nước có 38.217 giảng viên dạy đại học. Con số này cũng nhiều đó chứ. Nhưng phân tích ra thì thấy trong số này có:

* giáo sư: 303 người (0,8%)
* phó giáo sư: 1805 (5%)
* tiến sĩ 5643 (15%)
* thạc sĩ: 5643 (15%). Chú ý: sao con số tiến sĩ và thạc sĩ y chang nhau vậy cà? Tôi nghi quá!
* cử nhân: 15045

Cộng lại tất cả là 28439. Vậy còn 9778 người còn lại có trình độ gì? Chẳng lẽ dưới cử nhân mà dạy cử nhân?

Thật ra, cách phân chia như trên cũng chưa chính xác, bởi vì người thạc sĩ cũng có thể là phó giáo sư hay giáo sư. Nhưng thôi, tạm tạm vậy cũng cho chúng ta vài con số thú vị về lực lượng giảng dạy đại học ở nước ta.

Nhưng tôi thắc mắc. Trong thống kê trên, các đại học ta có 2108 là giáo sư và phó giáo sư. Nhưng một bài báo hồi năm ngoái (http://vietnamnet.vn/giaoduc/2007/12/760841) cho biết tính đến tháng 12/2007, cả nước có "gần 6600" giáo sư và phó giáo sư. Nhưng chỉ có 2108 hay 32% là trực tiếp giảng dạy. Như vậy còn lại ~4500 vị làm gì? Thật là đáng ngạc nhiên!

Tôi tìm câu trả lời hoài mà không ra. Nhưng lần mò một hồi thì tôi cũng tìm ra một phần câu trả lời, và đó là rất nhiều vị có hàm giáo sư hay phó giáo sư chỉ làm chức vụ hành chính, công chức, hay quan chức nhà nước mà thôi. Chẳng hạn như trang wikipedia cho thấy nhiều vị thậm chí nằm ở trong các bộ! Như ông Nguyễn Thiện Nhân, tuy là bộ trưởng nhưng cũng mang hàm giáo sư! Hình như chỉ có Việt Nam ta hay vài nước XHCN mà bộ trưởng là giáo sư.

Có lẽ đã đến lúc phải xem xét lại chức danh giáo sư, xem lại cả tiêu chuẩn phong chức danh này, chứ cứ tình trạng này (nhiều người mang hàm giáo sư mà không dạy cũng chẳng nghiên cứu) thì hóa ra nhiều giáo sư ở nước ta chỉ là giáo sư dỏm.

NVT

Học sinh cần học điều gì ?


Tôi có nhiều câu chuyện cá nhân rất vui. Hàng ngày tôi nhận được vài email (không nhiều lắm) từ các bạn trong nước hỏi về đủ thứ chuyện, có những chuyện tôi chẳng biết mô tê gì cả. Tuy nhiên, điều làm tôi chú ý là ngôn ngữ và thái độ trong email. Thôi thì đủ thứ: từ lịch sự, nhún nhường, đến lên lớp, và cao độ nhất là cách viết cứ như là ra lệnh. Không ngạc nhiên khi thấy không có lời cám ơn (và thật sự thì tôi cũng không cần). Nhưng đặc biệt ngạc nhiên là hầu hết thư đều không hề xưng danh tính. Tôi thấy lúng túng với những thư như thế và đành im lặng. Có lần tôi chuyển một thư của một bạn trẻ cho một người bạn có liên quan, người bạn này kêu lên: sao nó vô lễ thế! 

Người mình có câu "tiên học lễ, hậu học văn". Nếu có vô lễ thì chắc phải xét đến nền giáo dục của ta. Thời gian gần đây có nhiều tiếng nói đòi cải cách giáo dục ở nước ta. Người ta cho rằng nhiều vấn nạn xã hội mà nước ta gánh phải ngày nay là do hệ thống giáo dục tồi tệ. Tôi cũng thấy như thế và cũng từng lên tiếng nhiều lần. Tuy nhiên, nay thì tôi thấy chán rồi, vì nói hoài mà chẳng có thay đổi gì. Lực lượng trì trệ đã chiến thắng, đã làm cho những người có tâm huyết nản lòng. 

Trong bài "Việt Nam đang đi theo triết lý giáo dục nào?", Gs Chu Hảo viết: "Điều lạ lùng là, mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy. Hình như các kiến nghị của nhóm Giáo sư Hoàng Tụy (2004), của nhóm Trí thức Việt kiều (2005 và 2008), của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2006), của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (2007), của nhóm Bà Nguyễn Thị Bình (2008) đều cứ như là 'đấm vào bị bông'."
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/4845/index.aspx
Tôi không quan tâm đến chuyện triết lí này nọ, nhưng chỉ quan tâm đến những chuyện nhỏ và thực tế. Hôm trước, nhân đọc trên máy bay một bài viết rất hay của ông hiệu trưởng trường Yale về giáo dục, tôi nảy ý định viết bài này.

Bốn trăm năm trước Công nguyên, khi được hỏi học sinh nên được dạy điều gì, triết gia Aristippus của Hi Lạp trả lời: "Những điều mà họ sẽ sử dụng khi họ trở thành người lớn".
Kĩ năng gì học sinh sẽ sử dụng khi các em trưởng thành? Có hai điều chắc chắn trong cuộc đời: cái chết và thuế má. Chúng ta có dạy cho các em về cái chết hay những điều liên quan đến thuế và tài chính hay không? Thú thật, khi Ba Má tôi qua đời, trong nỗi niềm đau khổ, tôi cảm thấy lúng túng trong việc tổ chức tang lễ. Tôi cần phải thông báo cho ai? Nhiệm vụ của tôi trong gia đình là gì? Cũng may là có bà con và các dì tôi cố vấn, chứ không thì tôi cũng bí. Lúc đó tôi mới nhận ra mình quá khờ dại trong cuộc sống thực tế.
Rồi đến thuế má, một chủ đề rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Giới trẻ ngày nay với những bê bối, lem nhem về tài chính, khi họ trở thành nạn nhân của những vụ lường gạt thẻ tín dụng. Chẳng nói đâu xa, ngay cả đứa con lớn của tôi nó không phân biệt được các chương trình khuyến mãi, không quyết định được nên sử dụng công ti điện thoại nào, và không biết tiết kiệm tiền bạc. Có cái gì đó hụt hẫng trong giáo dục kĩ năng đời sống ở bậc trung học.
Thật ra, nhà trường ngày nay chẳng quan tâm đến các vấn đề thực tế như tôi vừa mô tả, những vấn đề mà thanh thiếu niên sẽ phải đối phó khi họ trưởng thành. Các chương trình giáo dục hiện hành được soạn thảo nhằm mục tiêu giúp cho học sinh chuyển tiếp vào hệ thống đại học và chuẩn bị thi cử, chứ không phải để chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống thực tế. Thế thì câu hỏi đặt ra là học sinh cần học những gì để khi trưởng thành họ có thể áp dụng? Bất cứ một câu trả lời nghiêm chỉnh nào cũng không thể bỏ qua các kĩ năng sau đây:
* sống trong cộng đồng và vun đắp quan hệ cộng đồng;
* kĩ năng thông tin;
* tự biết chính mình và có lập trường;
* đối phó với các vấn đề cá nhân, kể cả sex;
* kiểm soát cảm tính;* quản lí tài chính;
* làm những việc thực tế như lau dọn nhà, nấu ăn, sửa đồ đạc trong nhà;
* có thái độ tốt, tử tế, và biết cư xử với người ngoài gia đình;
* nhận lãnh trách nhiệm;
* có khả năng đối phó với những mất mát và khổ đau.

Thật ra, còn biết bao nhiêu chủ đề có thể đưa vào danh sách trên, nhưng một danh sách dài như thế có lẽ cũng đủ để minh họa cho những chasm học sinh cần biết khi lớn và những gì thường được dạy ở nhà trường. Có vài ngoại lệ glorious, dĩ nhiên, và phần lớn trường học sẽ xem xét đến các vấn đề vừa nêu, nhưng tôi tin rằng hệ thống giáo dục phương Tây nói chung đã thất bại trong việc cung cấp cho học sinh những kĩ năng thực tế thiết yếu.
Trường học cần phải huấn luyện nhiều hơn nữa cho học sinh, chứ không phải chỉ là bốn bức tường của nhà giữ trẻ. Trường học nên huấn luyện trái tim và bộ óc, và thực hiện qua các môn học. Tôi đề nghị trường học xem xét đến các kĩ năng sau đây:
1. Cộng đồng. Ngày nay học sinh bị cuốn hút theo những trò chơi điện tử và những trò chơi hay quan hệ trên hệ thống internet. Đây những trò chơi làm cho họ xa lánh với môi trường sống thực tế, và thiếu sự tương tác giữa con người với con người. Kĩ năng xã hội (social skills) của học sinh càng ngày càng kém. Và, điều này dẫn đến tình trạng học sinh trở nên ích kỉ, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, không có khả năng liên kết suy nghĩ của người khác vào quĩ đạo suy nghĩ của mình. Nói ngắn gọn, họ trở nên một gánh nặng cho xã hội và cộng đồng. Điều mà học sinh cần phải biết là kinh nghiệm sống trong cộng đồng, chứ không phải chỉ trong bốn bức tường của trường học. Họ phải có kinh nghiệm sống ngoài trường học, sống với 24 giờ trong cái thế giới hỗn độn và cộng đồng phức tạp. Họ cần phải học cách trở nên tử tế với những người chung quanh. 

2. Kĩ năng thông tin. Học sinh, đặc biệt là nam học sinh, cần được rèn luyện kĩ năng thông tin tốt hơn. Họ cần phải học cách diễn tả và lí giải một cách hoạt bát qua viết văn và nói chuyện. Mặc dù các kĩ năng này không phải là nhu cầu gì mới trong giáo dục nhà trường, nhưng cái thách thức là làm sao nâng cao kĩ năng thông tin cho học sinh một cách hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, nhà trường cần phải nhận thức rằng nội dung thông tin chỉ chiếm khoảng 7% độ ảnh hưởng của thông tin. Phần còn lại là do thái độ và thể diện (57%) và âm lượng của người nói chuyện (36%). Học sinh cần phải được dạy để đọc ngôn ngữ cơ thể (body language) của người đối diện để cảm nhận tâm trạng, để diễn giải cảm giác mà không thể mô tả bằng ngôn ngữ, của người đối thoại. Họ cần phải cải tiến khả năng chuyển tải và tiếp nhận thông tin qua ngôn ngữ cơ thể và thái độ, hơn là chửi bới vô duyên.

3. Tự biết mình. Ngày nay, có quá nhiều thanh thiếu niên không có chính kiến, không có lập trường, không biết họ đứng ở vị trí nào và cũng chẳng biết họ tin tưởng vào cái gì. Một số khác thì đáng ngại hơn là họ tỏ ra hài lòng với với sự cuộc sống nhưng không có cứu cánh gì cả, không có lập trường vững chắc. Thậm chí tồi tệ hơn, một số học sinh còn không biết họ là ai, không biết mình có khả năng gì đặc biệt. Do đó, một yêu cầu cơ bản cho tất cả học sinh là họ phải là chủ nhân của những gì họ tin tưởng hay lập trường cá nhân. Họ có thể bắt chước, có thể nói theo ý kiến của người khác, hay tin theo một niềm tin từ cha mẹ hay thầy cô ở nhà trường, nhưng mỗi học sinh phải tìm cho mình một tiếng nói riêng hay một lập trường cá nhân, chứ không phải cứ nghe theo người khác một cách mù quáng.

4. Vấn đề riêng tư. Nói chung, hệ thống giáo dục nước ta không thành công mấy trong việc chuẩn bị cho học sinh để đương đầu với các vấn đề riêng tư, kể cả sex. Chúng ta đang có những chương trình giáo dục về sex, nhưng hình như vẫn chưa có hiệu quả vì giới thầy cô miễn cưỡng giảng dạy chủ đề này. Trong khi đó, học sinh liên tục tiếp thu nhiều thông điệp trái ngược nhau. Cha mẹ thì nói thế này, còn trường thì nói thế khác, nhưng các website thì tuyên bố hoàn toàn khác với cha mẹ và thầy cô. Người có tư cách để giáo dục học sinh về sex chính là cha mẹ các em. Một số cha mẹ không ngần ngại nói về sex với con em mình, nhưng đại đa số cha mẹ không bao giờ muốn nói đến những chuyện tế nhị này.

5. Kiểm soát cảm tính. Có người chỉ ra rằng nhà tù ngày nay đầy rẩy thanh niên và đàn ông, nhưng nếu họ có kĩ năng và nghệ thuật đếm từ 1 đến 10 trước khi hành động thì có lẽ không cần đến nhà tù. Hành động một cách nông nỗi, bốc đồng thường có nghĩa là chỉ có một phần của bộ não được khởi động, còn phần khác của não cần thiết để phòng chống những quyết định thiếu sáng suốt chưa được khởi động. Hành động "chiến đấu hay là chạy" (fight or flight) có thể mang tính di truyền và cần thiết vào từ thời tiền sử, thời mà người đàn ông phải bảo vệ hang động từ các nhóm xâm lăng, nhưng không có hiệu quả trong thế giới hiện tại, thế giới chỉ chấp nhận những hành động và con người trưởng thành trong xã hội hiện đại.

6. Tài chính. Mức độ dốt của học sinh về tài chính thật là đáng sợ. Điều này được biểu hiện qua phần lớn những thanh thiếu niên và học sinh gặp trở ngại trong các vấn đề tài chính vì họ không có khả năng cân đối ngân sách, không hiểu những bẫy trực chờ của các thẻ tín dụng và không có khả năng trả nợ. Sống và chi tiêu quá khả năng (vung tay quá trán) hay quá lệ thuộc vào cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến những thảm nạn tài chính cho học sinh. Trong một xã hội mà nợ nần càng ngày càng trở nên một gánh nặng, vấn đề tài chính cần phải được giảng dạy cho học sinh. Cần phải nói cho học sinh biết những điều kiện hay cạm bẫy để tránh mượn tiền quá nhiều, tránh những chương trình khuyến mãi làm giàu nhanh chóng, và biết chi tiêu một cách thỏa đánh, thích hợp với thu nhập của mình và của gia đình.

7. Thực tế. Thảo luận về tình trạng thiếu các kĩ năng sống ở thanh thiếu niên thường được thêu dệt bằng những câu chuyện kinh khủng về phòng tắm dơ bẩn, nhà bếp với chồng chất chén đĩa dơ dáy, và phòng ngủ lượm thượm. Một số học sinh không bao giờ được dạy nấu ăn, hay nếu được dạy, họ có lẽ chưa được dạy cách rửa nồi niêu, chén đũa sau khi nấu ăn. Do đó, không ngạc nhiên chút nào học sinh ngày nay thiếu hàng loạt kĩ năng sống trong nhà, từ những việc đơn giản nhất (như cắt cỏ, thay nhớt xe, thay ống nước) đến những việc có phần tính toán hơn như cách tiết kiệm điện lực.

8. Lịch thiệp. Thiếu niên có thể ăn như một con heo, nhưng họ cần phải nhận thức được rằng họ ăn uống như heo và có khả năng ngưng ăn khi tình thế đòi hỏi. Tiếc thay những phép lịch sự căn bản như cách xưng hô trong khi nói hay viết là những kĩ năng có nguy cơ bị tuyệt tự ở những thanh thiếu niên ngày nay. Không học các hành vi lịch thiệp trong xã hội có thể dẫn đến bất lợi cho học sinh. Do đó, học sinh cần phải được dạy những kĩ năng căn bản như cách xưng hô, gửi một lời cám ơn, bắt tay một cách thích hợp.

9. Trách nhiệm. Nhiều học sinh có một cuộc sống qua khung cửa sổ. Họ chỉ thích nhìn. Nhìn là điều an toàn. Họ không có trách nhiệm, hay không nhận lãnh trách nhiệm. Khoanh tay nhìn xe bị tai nạn mà không làm gì giúp nạn nhân. Lối sống này rất phổ biến trong thanh thiếu niên ngày nay, phổ biến đến nổi chúng ta có thể nói họ sống thụ động. Họ nhìn, họ xem, họ phê phán từ ghế salon tiện nghi trong phòng khách. Khi trưởng thành, họ sẽ thấy khó làm gì hơn là nhìn và trở nên vô trách nhiệm. Vì thế, học sinh cần phải được dạy cách thức làm chủ thái độ và hành vi của họ, cách làm lãnh đạo, cách quyết định thích hợp, và cách phục vụ người khác. 


10. Sức bật. Thanh thiếu niên nói chung thích được khen tặng, tán dương. Có em thậm chí cảm thấy mình bị ngã gục vì họ không được khen ngợi! Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng hay toàn những điều tốt đẹp. Lòng tự trọng cần phải được phát triển và bồi đắp. Những thành công tầm thường không thể tâng bốc là phi thường được. Học sinh không nên tùy thuộc vào những lời khen tặng. Những bất mãn, thất vọng có thể xảy ra trong đời sống. Học sinh cần phải được trang bị cho mình nội lực để và can đảm cần thiết để đương đầu với những bất trắc trong cuộc sống.

Trên đây là những kĩ năng sống mà tôi nghĩ học sinh cần phải được dạy trong trường học. Học sinh cần tình cảm và nghị lực. Ở nước ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" nghe rất hay nhưng tôi nghĩ khá trừu tượng. Trong số những kĩ năng trên đây liên quan đến lễ, nhưng cũng có kĩ năng mà phương châm đó chưa nhắc tới: kĩ năng xã hội. Người ta thường nói chúng ta được sinh ra trần truồng, ướt át, và đói khát, và vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng may mắn thay, vấn đề vẫn có thể trở nên tốt hơn qua giáo dục.

NVT

Chuyện “đầu thai”

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/12/chuyen-au-thai.html

Chuyện buồn giáo dục

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2008/11/chuyn-bun-gio-dc.html

"Kinh doanh" quyền chức

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/kinh-doanh-quyen-chuc.html

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/nhac-si-nguyen-van-ong.html

Bình luận: "Đào tạo tiến sĩ - 'Chất' và 'lượng'"

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/binh-luan-ao-tao-tien-si-chat-va-luong.html

Một buổi sáng ở Đại học Khoa học Tự nhiên

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/mot-buoi-sang-o-ai-hoc-khoa-hoc-tu.html

Thật xấu hổ khi đọc bài: Hai lần bị ăn cướp ngay tại thủ đô! ( của GS Tuấn)

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/hai-lan-bi-cuop-ngay-tai-thu-o.html

Cảm nhận về 2 chuyến ghé thăm Đại học Quốc gia

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/cam-nhan-ve-2-chuyen-ghe-tham-ai-hoc.html

Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/01/trinh-o-hoc-van-cua-bo-truong-viet-nam.html

Đường 9 đoạn và phản đối một bài báo khoa học

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2011/06/uong-9-oan-va-phan-oi-mot-bai-bao-khoa.html

tuan's blog: Buồn thương bìm bịp kêu chiều

tuan's blog: Buồn thương bìm bịp kêu chiều

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Chất lượng giáo dục: từ thầy đến trò

tuan's blog: Học sinh cần học điều gì ?

tuan's blog: Học sinh cần học điều gì ?

tuan's blog: Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc

tuan's blog: Trình độ học vấn của bộ trưởng Việt Nam, Mĩ và Úc

tuan's blog: Đường 9 đoạn và phản đối một bài báo khoa học

tuan's blog: Đường 9 đoạn và phản đối một bài báo khoa học

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Bai va anh cua Vu Cao Phan

http://soha.vn/thongtin/xa-hoi/RF8URZON/toi-bat-ngo-ve-hieu-ung-buoi-phong-van-cua-dai-phuong-hoang.htm

Tôi bất ngờ về hiệu ứng buổi phỏng vấn của đài Phượng Hoàng'

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2011/07/toi-bat-ngo-ve-hieu-ung-buoi-phong-van-cua-dai-phuong-hoang/

Tướng Trung Quốc dọa Việt Nam

http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/06/tuong-trung-quoc-doa-viet-nam/

Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quố

Học giả Việt Nam nói về Biển Đông trên truyền hình Trung Quốc

Trả lời truyền hình Trung Quốc, tiến sĩ Vũ Cao Phan bình luận, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam chỉ là những phản ứng tự vệ, không phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh. Ông tin, cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
> Đặc phái viên Việt Nam tới Trung Quốc
> Tướng Trung Quốc dọa Việt Nam

Dưới đây là nội dung trả lời của ông với Đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong, Trung Quốc, tuần trước do tiến sĩ gửi cho VnExpress.
- Sự thể hiện cứng rắn gần đây của Việt Nam ở Nam Hải (Biển Đông) biểu thị thái độ gì?
- Nếu chỉ nhìn vào riêng biệt các sự kiện xảy ra gần đây để đánh giá phản ứng và thái độ của Việt Nam thì sẽ không chính xác. Phải nhìn rộng ra một chút, nhìn xa ra một chút. Vài năm gần đây ngày càng có nhiều tàu đánh cá của phía Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu hết lưới cụ rồi đòi tiền chuộc. Như năm ngoái chẳng hạn, hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân khu vực miền Trung bị bắt giữ. Đây vốn là vùng đánh cá truyền thống lâu đời và yên lành của ngư dân Việt Nam, bây giờ bỗng nhiên liên tục xảy ra những sự việc như vậy.
Có lần truyền hình Việt Nam chiếu cảnh hàng trăm thân nhân của những người đánh cá đứng, ngồi lam lũ trên bờ biển khóc lóc ngóng lo chồng con trở về đã gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận xã hội (điều này chắc các bạn Trung Quốc không biết).
Tàu thăm dò Vikinh II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Tàu thăm dò Viking II do Việt Nam điều hành, bị tàu Trung Quốc quấy rối trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 9/6. Ảnh: PetroTimes.
Nhà đương cục Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc về vấn đề đó nhưng hầu như không được đáp ứng. Lần này Trung Quốc hành động mạnh hơn thì phản ứng của Việt Nam cũng buộc phải mạnh hơn, không có gì quá bất thường. Trong tinh thần ấy, tôi nghĩ, phát biểu của lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ là những phản ứng tự vệ, đâu có phải là lời lẽ đe dọa chiến tranh như các bạn vừa suy luận. Nếu người dân Trung Quốc thấy bất thường thì có lẽ là vì các bạn không biết đến các sự kiện trước đó như tôi vừa nói. Còn nếu gọi đây là một sự leo thang thì phải thấy là Việt Nam leo theo các bạn Trung Quốc. Đúng thế đấy, phía Trung Quốc luôn luôn leo lên trước.
- Theo ông, tranh chấp trên Nam Hải (Biển Đông) sẽ được giải quyết bằng vũ lực hay đàm phán?
- Ở Việt Nam loại câu hỏi như thế này hầu như không được đặt ra. Tôi nói hầu như nghĩa là không phải không có. Mặc dù Việt Nam đã phải đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh suốt hơn nửa thế kỷ qua nhưng không nhiều người nghĩ đến khả năng có một cuộc chiến tranh Trung - Việt vào lúc này vì những hòn đảo ở Biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải). Về phía cá nhân, tôi tin cuộc tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình.
Thứ nhất là vì Chính phủ hai nước luôn luôn cam kết sẽ giải quyết những tranh chấp này không phải bằng vũ lực mà thông qua con đường ngoại giao, đàm phán thương lượng.
Thứ hai, cả hai nước đều đang ra sức phát triển kinh tế sau nhiều năm bị tàn phá bởi Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và chiến tranh ở Việt Nam; và công cuộc xây dựng phát triển kinh tế này đang đạt được những kết quả khả quan, chắc là không bên nào muốn để chiến tranh một lần nữa kéo lùi sự phát triển của đất nước mình.
Thứ ba, bối cảnh của một thế giới hiện đại - tôi muốn nói đến một dư luận quốc tế đã trưởng thành - sẽ mạnh mẽ góp sức ngăn ngừa một khả năng như vậy.
Thứ tư, và điều này cũng rất quan trọng, là nếu chính phủ hai nước có nóng đầu một chút thì lý trí và tình cảm của nhân dân cả hai bên sẽ giúp cho họ tỉnh táo hơn, tôi tin như vậy. Tôi xin hỏi lại anh, chắc anh cũng không muốn có một cuộc chiến tranh chứ?
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra những va chạm, xung đột nhỏ.
- Bản chất của sự tranh chấp Trung - Việt, theo ông, là vấn đề kinh tế hay chủ quyền? Việt Nam nhìn nhận nguyên tắc "gác tranh chấp, cùng khai thác” như thế nào?
- Đây là một câu hỏi thú vị. Các sự kiện ở Biển Đông cho thấy có cả màu sắc tranh chấp về kinh tế lẫn tranh chấp chủ quyền. Quan sát khách quan thì thấy Trung Quốc có vẻ nghiêng về lý do kinh tế, còn Việt Nam nghiêng về lý do chủ quyền nhiều hơn. Cách nhìn vấn đề như vậy sẽ giải thích được tại sao Việt Nam không mặn mà lắm với việc “gác tranh chấp, cùng khai thác”.
Ta thử phân tích xem tại sao nhé. Và đây là ý kiến của cá nhân tôi thôi. Lý do thứ nhất là tài nguyên thì có hạn, một khi khai thác hết rồi điều gì sẽ xảy ra? Liên quan đến nó là lý do thứ hai: “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà các bạn vừa nêu mới chỉ là một nửa lời căn dặn của ông Đặng Tiểu Bình mà nguyên văn là: “Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”, có đúng không? Như thế có nghĩa là khi đã cạn kiệt tài nguyên khai thác rồi, Việt Nam chẳng còn gì và Trung Quốc thì vẫn còn cái cơ bản là “chủ quyền”! Mà những hòn đảo và vùng biển ấy đâu chỉ có giá trị về tài nguyên?
Tôi ủng hộ việc hai nước cùng hợp tác khai thác tài nguyên ở Biển Đông nhưng ít nhất trước đó cũng phải làm sáng tỏ đến một mức độ nhất định nào đó (nếu chưa hoàn toàn) vấn đề chủ quyền.
Về câu hỏi của các bạn là bản chất của cuộc tranh chấp Việt - Trung là gì, kinh tế hay chủ quyền thì tôi đã phát biểu như vậy. Nhưng nếu cho tôi được phát triển theo ý mình thì tôi nói rằng, bản chất của cuộc tranh chấp này là chính trị. Quan hệ Việt - Trung không yên tĩnh đã từ mấy chục năm nay rồi và nó là một dòng gần như liên tục, trước khi xuất hiện vấn đề biển đảo những năm gần đây, có phải vậy không? Để giải quyết nó, các nhà lãnh đạo cần phải ngồi lại với nhau, ở cấp cao nhất ấy, một cách bình đẳng, bình tĩnh, thẳng thắn và chân thành. Vấn đề hóc búa đấy. Đương đầu với sự thật không dễ dàng, nhưng sẽ dễ dàng nếu xuất phát từ thiện chí mong muốn một sự bền vững thực chất cho tình hữu nghị Việt - Trung.
- Theo ông, tương lai phát triển của quan hệ Trung - Việt sẽ như thế nào? Làm cách nào để có thể duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai nước?
- Tôi là một người có nhiều năm công tác ở Hội Hữu nghị Việt - Trung, có nhiều mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc và nói một cách rất chân thành là tôi yêu Trung Quốc, khâm phục Trung Quốc và thậm chí có thể gọi là “thân Trung Quốc” cũng được. Vì thế, điều mong muốn thường trực của tôi là làm sao xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp, thật sự tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Chắc các bạn cũng muốn vậy. Nhưng có không ít việc phải làm. Có việc phải bắt đầu lại. Trước hết, như tôi đã nói là phải ngồi lại với nhau. Có vị bảo với tôi là ngồi mãi rồi còn gì. Không, ngồi như vậy chưa được, ngồi như vậy không được. Ngồi thế không phải là ngồi thẳng.
Về phần mình với mong muốn như vậy, tôi xin được gửi gắm đôi điều giống như là những lời tâm sự đến các bạn:
Thứ nhất là, vấn đề đàm phán song phương giữa hai nước. Tôi nghĩ đàm phán song phương cũng tốt, cũng cần thiết. Những nơi có tranh chấp đa phương như quần đảo Trường Sa (Nam Sa) thì cần phải đàm phán nhiều bên còn như quần đảo Hoàng Sa (Tây Sa) là vấn đề của riêng hai nước Việt Nam và Trung Quốc lại khác.
Nhưng Chính phủ các bạn lại tuyên bố Hoàng Sa dứt khoát là của Trung Quốc, không phải là vấn đề có thể đưa ra đàm phán. Vậy thì còn cái gì nữa để mà “song phương” ở đây? Chính tuyên bố ấy của Trung Quốc đã đóng sập cánh cửa “con đường song phương”. Tình trạng tranh chấp Hoàng Sa rất giống với tình trạng tranh chấp của đảo Điếu Ngư, giữa Trung Quốc và Nhật Bản mà ở đấy, địa vị của Trung Quốc hoàn toàn giống như địa vị của Việt Nam ở Hoàng Sa lúc này. Chẳng lẽ Trung Quốc lại có một tiêu chuẩn kép cho những cuộc tranh chấp giống nhau về bản chất sao?
Thứ hai là, chúng ta thường nói đến sự tương đồng văn hóa giữa hai nước như là một lợi thế cho việc chung sống hữu nghị bên nhau giữa hai dân tộc. Điều đó đúng một phần, nhưng mặt khác, văn hóa Việt Nam, nhất là văn hóa ứng xử có sự khác biệt lớn với Trung Quốc. Nếu văn hóa ứng xử của người Trung Quốc là mạnh mẽ, dứt khoát, quyết đoán (và do đó thường áp đặt?), nặng về lý trí, thì văn hóa ứng xử của người Việt Nam là nhẹ nhàng, khoan dung, nặng về tình, ơn thì nhớ lâu, oán thì không giữ. Hình như các bạn Trung Quốc chưa hiểu được điều này ở người Việt Nam. Cần phải hiểu được như vậy thì quan hệ giữa hai bên mới dễ dàng.
Tôi có thể lấy một ví dụ. Những sự kiện ở Nam Kinh, ở Lư Cầu Kiều xảy ra đã hơn bảy chục năm rồi. Nhưng mỗi khi có vấn đề với Nhật Bản, người Trung Quốc lại xuống đường biểu tình, đầy căm thù nhắc lại những sự kiện ấy. Người Việt Nam thì không như vậy. Phát xít Nhật đã góp phần gây ra nạn đói giết chết hàng triệu người Việt Nam năm 1945, và trong cuộc chiến tranh Việt Nam 1965 – 1975, người Mỹ, người Hàn Quốc đã gây rất nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng sau chiến tranh, chính những người lính các nước này khi trở lại Việt Nam đã rất ngạc nhiên bắt gặp những nụ cười niềm nở thân thiện của người dân. Có lẽ nhờ thái độ, cách ứng xử đó của người Việt Nam chăng mà Mỹ, Nhật, Hàn cuối cùng đã trở thành những đối tác kinh tế và thương mại lớn, và là những nước viện trợ hàng đầu cho Việt Nam sau chiến tranh?
Nói như thế vì tôi thấy rằng, cách ứng xử nặng nề của phía Trung Quốc đối với Việt Nam đã và đang đẩy những người Việt Nam vốn rất yêu quý Trung Quốc ra xa các bạn, chứ không phải là Việt Nam cố đi tìm liên minh để chống Trung Quốc.
Lấy thêm một ví dụ nữa nhé! Bây giờ chúng ta đã có thể hiểu bản chất sự kiện (cũng có thể gọi là cuộc chiến tranh) tháng 2/1979 rồi. Người Việt Nam đã muốn quên đi, và khi tiếp xúc với các bạn Trung Quốc vẫn luôn giữ một sự niềm nở chân tình. Trái lại người Trung Quốc rất hay nói đến sự kiện đó. Các bạn biết không, năm 2009, tôi chẳng để ý đó là năm gì, giở báo, mạng của các bạn mới biết là đã 30 năm kể từ 1979. Không phải chỉ vào tháng 2 đâu mà suốt cả năm 2009 người ta nói về sự kiện này. Hàng mấy trăm bài viết, nhiều bài trên mạng mà nhìn vào chỉ muốn khóc. Lời lẽ thật tàn tệ. Thôi, cho chuyện này qua đi …
Thứ ba là, quan hệ giữa hai nước chúng ta thậm chí phải trở nên đặc biệt vì chúng ta có sự tương đồng văn hóa, lịch sử, là láng giềng không thể cắt rời, từng hoạn nạn có nhau (bản thân tôi là một người lính trong chiến tranh Việt Nam, tôi không thể nào quên sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Trung Quốc về cả vũ khí, lương thực mà mình trực tiếp được sử dụng). Hai nước chúng ta lại đang cùng cải cách mở cửa, phát triển kinh tế. Chừng ấy lý do là quá đủ để quan hệ này trở nên hiếm có, trở nên đặc biệt. Tôi nói như vậy là muốn phát biểu thêm rằng, hai nước còn một lý do tương đồng nữa là cùng thể chế chính trị, cùng ý thức hệ, điều hay được người ta nhắc đến. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi - của riêng tôi thôi nhé - thì không cần nhấn mạnh điểm tương đồng này. Nó tồn tại như một điều kiện, một lý do thế thôi, không cần nhấn mạnh như cách hai nước vẫn làm. Giữa các nước có cùng ý thức hệ kiểu này vẫn xảy ra xung đột, chiến tranh vì quyền lợi quốc gia như chúng ta đã biết đấy thôi. Thực tế là quyền lợi quốc gia cao hơn ý thức hệ. Chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận vậy để khỏi dối lòng nhau. Hơn nữa, giả dụ một ngày nào đó một trong hai nước chúng ta có một thể chế chính trị khác thì sao, chúng ta lúc ấy còn cần duy trì quan hệ láng giềng tốt nữa không? Vẫn cần chứ, rất cần. Vậy thì …
Tôi rất sẵn lòng cùng các bạn làm tất cả những gì để hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa đã hiểu biết càng hiểu biết nhau hơn nữa, đã gần gũi càng gần gũi nhau hơn nữa. Cám ơn Đài Truyền hình Phượng Hoàng đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này.
Theo dòng sự kiện:
Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông (29/06)
Trung Quốc bác bỏ nghị quyết của Mỹ về Biển Đông (28/06)
Trung Quốc hoan nghênh kênh đối thoại mới với Mỹ (28/06)
Mỹ phê phán Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông (28/06)
Mỹ, Philippines tập trận gần Biển Đông (28/06)
Đặc phái viên Việt - Trung bàn về Biển Đông (26/06)
Xem tiếp
Ý kiến của bạn

Vu Cao Phan Tra loi phong van TQ

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-27-truyen-hinh-trung-quoc-phong-van-hoc-gia-viet-ve-tranh-chap-bien-dong

Lại sai tiếng Anh: "HA NOI SMOKE FREE

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/lai-sai-tieng-anh-ha-noi-smoke-free.html

Những biểu ngữ vui mắt

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/nhung-bieu-ngu-vui-mat.html

Lời tự thuật của tác giả bài thơ "Màu Tím Hoa Sim"

http://tuanvannguyen.blogspot.com/2010/02/loi-tu-thuat-cua-tac-gia-bai-tho-mau.html

Chỉ dẫn cách trình bày powerpoint trong hội nghị khoa học

 Chỉ dẫn cách trình bày powerpoint trong hội nghị khoa học

http://static.clickbd.com/global/classified/item_img/266116_0_original.jpg
Trong loạt bài trước, tôi đã bàn về cách viết một bài báo khoa học. Nhưng trong hoạt động khoa học, việc trình bày kết quả nghiên cứu trong các hội nghị cũng quan trọng. Tuy nhiên, tôi thấy rất nhiều đồng nghiệp trong nước chưa quen với những qui ước trình bày báo cáo khoa học, chưa rành cách làm chair, và trong thực tế đã xảy ra nhiều chuyện cười ra nước mắt. Bắt đầu bằng bài này, tôi sẽ đăng một loạt bài về cách trình bày báo cáo khoa học trong các hội nghị. 

Trong khoảng 10 năm gần đây, tôi có dịp tham dự và nói chuyện trong nhiều workshop, hội nghị, hội thảo ở trong nước.  Qua những lần như thế tôi phát hiện nhiều bất cập trong cách trình bày một báo cáo khoa học của nhiều đồng nghiệp.  Sau này, tôi có một loạt bài giảng về cách viết và trình bày báo cáo khoa học trong hội nghị.  Đây là loạt bài được soạn ra một cách chi tiết hơn so với những bài giảng trước đây.  Tôi ho vọng loạt bài này sẽ cung cấp vài thông tin và kinh nghiệm có ích cho các đồng nghiệp trong nước.

Trong loạt bài này, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm cách trình bày báo cáo trong các hội nghị khoa học. Tôi sẽ bàn về khá nhiều chủ đề, từ cách đặt tựa đề bài nói chuyện, đến những qui tắc trong cách soạn bài nói chuyện (như font chữ, kích thước chữ) và cách soạn slide sao cho có hiệu quả nhất.  Hôm nay, tôi sẽ bắt đầu qua thảo luận cách đặt tựa đề.

Tựa đề 

Tựa đề của một báo cáo khoa học hay một bài nói chuyện cũng giống như là một dòng chữ … quảng cáo.  Cũng như chuyên gia quảng cáo, diễn giả muốn có nhiều người chú ý đến bài nói chuyện của mình, muốn cử tọa hấp dẫn với nội dung của bài nói chuyện.  Để đạt được mục đích đó, cách hay nhất trong đặt tựa đề bài nói chuyện là phải đầy đủ, nhưng không quá phức tạp mà cũng đừng quá chung chung.  Tựa đề phức tạp làm người nghe không còn hấp dẫn.  Tựa đề chung chung làm người nghe không có động cơ để theo dõi và không tập trung.  Sau đây là vài chỉ dẫn cụ thể về cách đặt tựa đề sao cho hấp dẫn người nghe.

1.  Slide đầu tiên 

Bài nói chuyện dĩ nhiên bắt đầu bằng slide đầu tiên, thường là slide tựa đề.  Không có qui ước nào đặt tựa đề bài nói chuyện, nhưng 2 thông tin quan trọng nhất cần phải có là:
  1. Tựa đề bài nói chuyện
  2. Tác giả và nơi làm việc
Tựa đề thường viết bằng font chữ 40 trở lên để cử tọa dễ đọc.  Ngoài ra, tôi thấy một số báo cáo, nhất là báo cáo viên là nghiên cứu sinh, còn cung cấp thêm các thông tin như:
  1. Tên và ngày hội nghị
  2. Danh sách đồng tác giả
  3. Tên và logo của trung tâm nghiên cứu
  4. Tên của thầy/cô hướng dẫn
  5. Cảm tạ
  6. Cơ quan tài trợ
  7. Hình ảnh nền (background image)
Thông tin 3 có khi cần thiết, vì nó cho thấy báo cáo viên có đầu tư thời gian để soạn tài liệu cho hội nghị.  Trong thực tế, có nhiều báo cáo viên rất lười biếng, họ sử dụng một bài nói chuyện từ hội nghị này sang hội nghị khác, chẳng có thông tin gì mới.  Cách làm lười biếng như thế rất phản tác dụng, vì người nghe chẳng những xem thường diễn giả, mà còn cảm thấy mất thì giờ đi nghe những thông tin cũ.

Thông tin 5-7 có khi không cần thiết.  Thật vậy, có thể nói phần lớn người nghe chẳng cần biết tên hay logo của trung tâm, hay tên của thầy cô, hay cảm tạ.  Tuy nhiên, những thông tin này có khi làm cho thầy cô và đồng nghiệp … hài lòng.  Nó còn cho thấy tác giả là người “biết điều”, ăn ở có trước có sau, chứ không phải vô ơn.
Thông tin 8 (tên cơ quan tài trợ) cũng có khi quan trọng. Có hội nghị yêu cầu tác giả phải nói rõ cơ quan tài trợ, và phải tuyên bố những mâu thuẫn lợi ích (conflict of interest) ngay từ slide đầu tiên để cử tọa biết.
Thông tin 9 (hình nền) có thể làm cho slide hấp dẫn hơn, nhưng cần phải chú ý đến hình ảnh.  Thông thường, hình ảnh nền là những yếu tố của công trình nghiên cứu, hay hình (có khi là bản đồ chỉ trung tâm nghiên cứu – nếu có gì để “khoe”).

Cần lưu ý rằng slide đầu tiên không nên cung cấp quá nhiều thông tin.  Nhiều thông tin trong slide như thế rất dễ làm cho cử tọa bị sao lãng.  Tùy theo hội nghị và tùy theo yêu cầu, chỉ cần tựa đề và tên tác giả có lẽ là đủ.

2.  Bỏ những câu chữ rườm rà

Một khi đã quyết định tựa đề bài báo cáo, tác giả cần phải xem xét lại một cách cẩn thận.  Cần phải xóa bỏ những từ rườm rà, vì những từ này có thể làm cho người nhìn khó lãnh hội vấn đề.  Thử xem qua những tựa đề sau đây:

  • The ligno-cellulose biomass fuel chain: a review
  • A study on producing bread in Andalucia with the acid moisture technique
  • Development of a Portable Device for Work Analysis to Reduce Human Errors in Industrial Plants
Tựa đề thứ nhất có thể thích hợp cho một bài báo, nhưng không thích hợp cho bài nói chuyện.  A review không cần thiết ở đây, vì tác giả có thể nói.  Tựa đề thứ hai thì thừa chữ A study on. Tương tự, trong tựa đề thứ ba có cụm từ Development of cũng là thừa, vì tác giả có thể đề cập khi nói chuyện.  Do đó, những tựa đề trên có thể sửa lại như sau:


  • Ligno-cellulose biomass fuel chain
  • Producing bread in Andalucia with acid moisture technique
  • A Portable Device for Work Analysis to Reduce Human Errors in Industrial Plants

3.  Tránh tựa đề mang tính quá kĩ thuật 


Như đề cập trên, tựa đề bài nói chuyện như là một cái quảng cáo sản phẩm.  Do đó, nên để ý đến cách viết tựa đề hấp dẫn.  Một tựa đề hấp dẫn có khả năng thu hút sự chú ý của khán giả trong hội nghị. Người dự hội nghị thỉnh thoảng xem các bài nói chuyện ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ, nhưng họ có thể nghĩ rằng những kiến thức và kết quả trong bài nói chuyện có thể giúp ích cho lĩnh vực nghiên cứu của họ.  Do đó, tác giả nên cố gắng đặt tựa đề sao cho khán giả cảm thấy gần gũi, không quá chi tiết kĩ thuật.

Chúng ta thử so sánh những tựa đề sau đây:

Tựa đề quá kĩ thuật Tựa đề hấp dẫn hơn
A Pervasive Solution for Risk Awareness in the context of Fall Prevention in the Elderly A Novel Solution for Preventing Fall in the Elderly
An evaluation of the benefit of the application of usability and ergonomics principles to consumer goods Ergonomics of consumer goods: an evaluation of benefits
Construction and validation of a carrier to shuttle nucleic acid-based drugs from biocompatible polymers to living cells Method for transferring nucleic acid-based
drugs from biocompatible polymers to living cells


Chú ý trong những tựa đề mang tính kĩ thuật, không có động từ.  Khi sửa tựa đề tôi cố gắng cho một động từ vào.  Tựa đề có động từ rất “lợi hại” trong báo cáo khoa học bằng miệng, bởi vì động từ cho chúng ta một cảm giác động.  Danh từ không cung cấp một ý nghĩa động.  Chú ý rằng động từ chỉ thường sử dụng cho bài nói chuyện, chứ không phải cho bài báo khoa học.

4.  Dùng tựa đề với 2 phần

Tựa đề 2 phần cung cấp thêm thông tin cho khán giả.  Do đó, một “chiến lược” gây chú ý là dùng tựa đề gồm 2 phần, và cách nhau bằng một dấu “:” hay "–".  Thử so sánh vài tựa đề sau đây:

Tựa đề một phần Tựa đề hai phần
Preparation, characterization, and degradability of low environmental impact polymer composites containing natural fibers Preventing Italy from disappearing under polyethylene bags: Using low environmental impact polymer composites
Anti-tumor activity of bacterial proteins: study of the p53-azzurine interaction Azzurrine binds to p53: Towards a nontoxic alternative to chemotherapy
The discoursal construction of audience identity in undergraduate assignments Discoursal construction of audience identity in undergraduate assignments: Who, What, How


5.  Không nên quá súc tích — dùng động từ, giới từ


Chúng ta thử đọc tựa đề sau đây:

An innovative first-year PhD student scientificEnglish didactic methodology


Thoạt đầu, tựa đề xem ra hàm chứa một ý nghĩa, nhưng khi đọc xong thì hình như nó có ý nghĩa khác.  Vấn đề ở đây là tác giả đã dùng cấu trúc tính từ + danh từ + danh từ như là tính từ.  Cụm tính từ first-year PhD student scientificEnglish didactic chính là … thủ phạm. Tính từ innovative là đề cập đến methodology, chứ không phải first-year PhD student.  Do đó, một tựa đề dễ đọc hơn có lẽ là:


An innovative methodology for teaching scientific English to first-year PhD students


Từ bài học trên, chúng ta rút ra kết luận rằng một tựa đề tốt phải:
  • Đặt tính từ trước danh từ nó đề cập đến (như innovative đề cập đến methodology chứ không phải students)
  • Có một động từ (teaching)
  • Dùng giới từ (for, to)
Một số ví dụ sau đây có thể minh họa cho nguyên lí trên.

Tựa đề không có động từ Tựa đề có động từ
The implementation of sustainable strategies in multinational companies Implementing sustainable strategies in multinational companies
TOF-SIMS: an innovative technique for the study of ancient ceramics TOF-SIMS: an innovative technique for studying ancient ceramics
Fault detection of a Five-Phase Permanent-Magnet Motor - a four-part solution Four ways to detect faults in a Five-Phase Permanent-Magnet Motor
Effect of crop rotation diversity and nitrogen fertilization on weed management in a maize-based cropping system How does crop rotation diversity and nitrogen fertilization affect the way weeds are managed in a maize-based cropping system?

6. Kiểm tra văn phạm!

Các qui tắc về văn phạm, nhất là cách dùng mạo từ (a, an, the), là vấn đề “nhức đầu” cho nghiên cứu sinh và nhà khoa học không quen với tiếng Anh.  Một số qui tắc văn phạm cũng có thể áp dụng cho cách đặt tựa đề.  Chúng ta thử xem qua ba tựa đề dưới đây:

Multimodality in the context of Brain-Computer Interface

Importance of role of planning and control systems in supporting interorganizational
relationships in health care sector

Iran Foreign Policy

Tựa đề thứ nhất có lẽ thiếu danh từ số nhiều (interfaces).  Tựa đề thứ hai thiếu mạo từ.  Tuy mạo từ ít khi nào dùng trong tựa đề, nhưng nếu một tựa đề dài như trên thì mạo từ cũng cần thiết.  Tựa đề thứ ba có vấn đề về hô ngữ (apostrophe).  Có thể sửa lại như sau:

Multimodality in the context of a Brain-Computer Interface/of Brain Computer
Interfaces


The importance of the role of planning and control systems in supporting interorganizational relationships in the health care sector


Iran’s Foreign Policy


7.  Kiểm tra chính tả

Tựa đề của một bài nói chuyện dứt khoát không để sai chính tả.  Điều này rất hiển nhiên, nếu đó là bài nói chuyện về luận án, hay một công trình nghiên cứu.  Tuy nhiên, tìm ra lỗi chính tả trong một tựa đề có khi đòi hỏi thời gian, nhất là đối với tác giả không quen với tiếng Anh như là tiếng mẹ đẻ.  Chúng ta thử xem xét những tựa đề sau đây:

The Rethoric of Evil in German Literature

Governance choice in railways: applying empirical transaction costs economics to the the railways of Easter Europe and the former USSR

Hearth attack! Cardiac arrest in the middle aged

Trong tựa đề đầu tiên, rethoric có vẻ không sai, bởi vì nó hao hao giống cách phát âm (mà đúng ra phải là rhetoric).  Trong tựa đề thứ hai và thứ ba, từ đúng đáng lẽ phải là Eastern Heart. Trong trường hợp này, không có phần mềm nào có thể phát hiện Easter Hearth. Ngoài ra, sự lặp lại (the the) cũng có khi khó phát hiện.  Những tựa đề trên có thể sửa lại:

The Rhetoric of Evil in German Literature

Governance choice in railways: applying empirical transaction costs economics to the railways of Eastern Europe and the former USSR

Heart attack! Cardiac arrest in the middle aged

8.  Suy nghĩ một tựa đề khác thay thế

Trong một hội nghị, khán giả phải nghe và nhìn nhiều bài báo cáo.  Những bài báo cáo thường có cấu trúc với tựa đề như Introduction - Methodology - Discussion - Conclusion and Future Work - Thank you for your attention - Any questions? Nếu bài báo cáo của mình được sắp xếp vào buổi cuối cùng của hội nghị, hay vào buổi trưa / chiều (tức là khán giả rất dễ … buồn ngủ), tác giả cần phải suy nghĩ cách hấp dẫn khán giả.

Một cách để không cho khán giả ngủ là không dùng những tựa đề Introduction - Methodology - Discussion – Conclusion.  Thay vì dùng những tựa đề đó trên slide, tác giả có thể đặt tựa đề sao cho mỗi slide chỉ có 1 điểm (point) duy nhất.  Chẳng hạn như nếu tôi trình bày ảnh hưởng của vitamin D đến tử vong, tôi có thể mở đầu phần dẫn nhập bằng slide với tựa đề Vitamin D and mortality – current literature. Thay vì slide là Conclusion tôi có thể viết tựa đề là Vitamin D and mortality in post-fracture mortality.  Cách viết tựa đề như thế làm cho bài báo cáo là một câu chuyện, và nó làm cho mình professional hơn, hoàn toàn khác với đám đông.

Một cách khác để đặt tựa đề cho từng phần là:

Outline: Why? Why should you be excited?

Methodology: How? Don’t try this at home

Results: What did we find? Not what we were expecting

Discussion: So what? Why should you care?

Future work: What next? Men at work
Thank you: That’s all folks. See you in the dinner table!

(Còn tiếp)

Kì sau: Cách soạn power point slide