Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Đi tìm sự thật trong bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai


In Email
Cựu binh, phóng viên quân đội Mỹ Ronald Haeberle, tác giả những bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ vừa trở lại Việt Nam nhằm xác nhận danh tính 2 đứa trẻ trong bức hình do chính ông chụp 43 năm về trước.
Câu chuyện liên quan đến việc khiếu nại kéo dài của anh Trần Văn Đức (Việt kiều định cư tại Đức) khi anh cho rằng, mình và em gái chính là hai đứa trẻ trong bức ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ chứ không phải như chú thích của bảo tàng lâu nay.
Ngay sau khi đến Việt Nam, Ronal Haeberle và Trần Văn Đức - người tự nhận mình trong bức ảnh lịch sử liên quan đến vụ thảm sát Mỹ Lai có cuộc làm việc với Bảo tàng Sơn Mỹ và đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.
Tại đây, tác giả bức ảnh cho biết một chi tiết quan trọng, đó là đã có sự sai sót của tạp chí Life trong khi chú thích ảnh. Lúc đó ông chỉ đưa ra thông tin: Hai đứa trẻ sau đó có thể đã bị giết, hai chữ "có thể" đã bị cắt bỏ. Đây là lý do dẫn đến ngộ nhận sau này.
Quan điểm của Ronal Haeberle là cần có sự cải chính theo hướng xác nhận hai đứa trẻ trong ảnh là Trần Văn Đức và Trần Thị Hà chứ không phải là Trương Năm, Trương Bốn, hoặc cách chú thích chung chung: Anh che đạn cho em như Bảo tàng đã chú thích, bởi lẽ ông là người chứng kiến và chụp toàn bộ các bức ảnh trong buổi sáng 43 năm về trước, và câu chuyện Đức kể hoàn toàn trùng hợp với trí nhớ của ông.
Đi tìm sự thật trong bức ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai
Bức ảnh gây tranh cãi về nhân vật trong ảnh. (Ảnh: Ronald Haeberle)
"Ai có thể nói ra sự thật ngay bây giờ, khi mà có đến 504 người liên quan đã bị giết. Tôi tin Đức vì Đức đã tả lại rất chính xác hình ảnh chiếc máy bay và hình dáng của tôi, công việc tôi làm trong thời khắc tôi chụp bức ảnh ấy. Tất cả những điều Đức kể thực sự có ý nghĩa với cuộc đời tôi và tôi tin đó là sự thật", cựu binh Mỹ Ronald Haeberle, tác giả những bức ảnh về vụ thảm sát Sơn Mỹ cho biết.
Và đây là quan điểm của những người làm bảo tàng ở Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ông Phạm Thành Công, Giám đốc Khu chứng tích Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi: "Trước đây Bảo tàng chú thích ảnh là con ông Trương Nghị: Trương Năm, Trương Bốn vì căn cứ vào chú thích của tạp chí Life. Nhưng sau đó, chúng tôi tìm hiểu, xác minh, đi đến quyết định là chú thích: Anh che đạn cho em và hai đứa trẻ sau đó đã chết".
Trở lại câu chuyện của người khiếu nại - tức nhân chứng Trần Văn Đức, anh cho rằng, sự chính xác trong ghi chú bức ảnh là điều thiêng liêng với anh bởi trong vụ thảm sát Sơn Mỹ, trong 504 thường dân vô tội bị giết, có mẹ và 1 chị gái, 1 em gái ruột của anh. Thậm chí, bức hình về mẹ anh là bà Chín Tẩu cũng đã từng bị chú thích sai bởi tên một phụ nữ khác. 43 năm trĩu nặng một nỗi tang thương lớn như vậy cho nên, việc đi tìm sự thật ai là người trong ảnh là điều có ý nghĩa với cuộc đời anh.
"Lần này trở lại để làm sáng tỏ một vài chi tiết trưng bày còn sai. Chỉ có Ronald Haeberle mới là người có thể nói lên sự thật, đúng vào khoảnh khắc ấy sự việc xảy ra như thế nào. Vì lẽ đó mà Đức bôn ba sang tận Mỹ để mời Ronald Haeberle trở về" - Trần Văn Đức, Việt kiều định cư tại Đức cho biết.
Có thể những thông tin mà Ronald Haeberle cung cấp chưa được xem là một bằng chứng thuyết phục. Song, từ câu chuyện này cho thấy, việc giải quyết những nghi vấn về lịch sử không thể xem nhẹ, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tàng.
Nhà báo Trần Đăng, Báo Lao động nói: "Có những sự thật vì lý do nào đó bị khuất lấp thì sẽ dần dần cởi mở, xã hội và chính sách cũng có thể thay đổi, do vậy sự thật sẽ phải được trả lại. Qua sự việc này, biết đâu sẽ hé mở nhiều sự thật khác nữa trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
Trong khi những người lớn đang tranh cãi về lai lịch bức ảnh, cậu bé trở về từ nước Đức - Trần Văn Viễn, con trai của anh Đức cứ lặng yên trong góc phòng. Cậu không dám nhìn lâu vào bức ảnh chụp cận cảnh về cái chết của bà nội mình.
Trần Văn Viễn, con trai anh Trần Văn Đức nói: "Ba thường kể với con về bà nội, ngày xưa, con không hiểu mấy điều này lắm, nhưng bây giờ thì con mới hiểu và con muốn biết bà nội chết vì cái gì?".
Lịch sử sẽ ra sao nếu như không cất lên tiếng nói sự thật. Câu chuyện về khiếu nại của Trần Văn Đức sẽ còn là đề tài tranh cãi. Do vậy một sự vào cuộc để có kết luận chính thức là điều cần làm của những cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước khi nhân chứng Ronal Haeberle sẽ không còn.
Hoàng Thái
http://www.vtv.vn/Article/Get/Di-tim-su-that-trong-buc-anh-vu-tham-sat-My-Lai-af78a21f35.html

Gặp tác giả những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ


27 tuổi, đưa ra ánh sáng vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong chiến tranh Việt Nam. Nay tuổi ngoài 70, Ronald Haeberle không ngần ngại có mặt để góp phần lý giải một sự thật liên quan đến những nạn nhân 43 năm trước.
Gặp tác giả những bức ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ
Ronald Haeberle (giữa) trở lại thăm khu chứng tích Sơn Mỹ ở xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). (Ảnh: VnExpress)


Vụ thảm sát của quân đội Mỹ tại Sơn Mỹ (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra vào ngày 16/3/1968 đã từng làm rúng động thế giới. Người góp phần quan trọng phơi bày sự thật bi thương này không ai khác là Ronald Haeberle - tác giả những bức ảnh nổi tiếng tường thuật về cái chết của 504 người dân vô tội.
Trong ba ngày (từ 24-26/10), cựu binh Mỹ Ronald Haeberle đã trở lại Sơn Mỹ với một sứ mạng không kém phần hệ trọng, đó là góp phần làm sáng tỏ một số tình tiết có liên quan đến những nạn nhân còn sống sót trong vụ thảm sát kinh hoàng này.
Trong tâm trí của Ronald Haeberle, Sơn Mỹ còn nguyên hình ảnh chết chóc của 43 năm về trước. Với vai trò là phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, ông đã có mặt trong nhiều cuộc hành quân ở miền Trung Việt Nam, và sự kiện Mỹ Lai là một ám ảnh, là cú sốc lớn nhất đã làm thay đổi đời ông.
"Làm thế nào có thể diễn tả được những gì xảy ra vào buổi sáng kinh hoàng đó. Khi vào làng, tôi đã chứng kiến một sự việc không bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi quay trở lại đây và hy vọng về những điều tốt đẹp. Chuyến đi này thực sự có ý nghĩa với tôi bởi tôi cũng đã tìm lại dấu vết của chính mình", Ronald Haeberle nói.
Đón Ronald Haeberle, chính quyền và người dân Quảng Ngãi đã dành cho ông nhiều tình cảm ưu ái, bởi không chỉ là người đưa ra công lý vụ thảm sát mà quân đội Mỹ đã cố tình bưng bít, mà với nhiều nhân chứng, ông còn là một ân nhân thoát khỏi họng súng trong gang tấc. Với giới báo chí, sự có mặt của Ronald Haeberle bên những tấm ảnh lịch sử cực kỳ có ý nghĩa, bởi chỉ có tác giả mới có thể cắt nghĩa vì sao chúng trở nên nổi tiếng và có mặt tại Bảo tàng Sơn Mỹ.
Ronald Haeberle cho biết: "Trong cuộc đời chụp ảnh của tôi, tôi luôn mong muốn những bức ảnh của mình được xuất bản từ năm này sang năm khác, bởi vì chỉ có như vậy mọi người mới biết chiến tranh đã diễn ra như thế nào, đó là những câu chuyện kể về những chịu đựng của thường dân, những chết chóc của người lính. Tôi muốn ghi lại chiến tranh trong những tấm hình của mình để người ta nhận ra điều gì đã xảy ra, đó là trách nhiệm của nghề nghiệp".
Và, một bất ngờ khác, người đồng hành trở về với Ronald Haeberle lần này là một nhân chứng sống của vụ thảm sát 43 năm về trước. Đó là anh Trần Văn Đức - Việt kiều định cư tại Đức.
Bức ảnh hai anh em Trần Văn Đức và em gái Trần Thị Hà được Tạp chí Life công bố vào năm 1969, từng được Khu chứng tích Sơn Mỹ chú thích là hai anh em Trương Bốn và Trương Năm, thế nhưng, bằng thực tế đời mình và những bằng chứng có được, anh Trần Văn Đức cho rằng, đó là mình và cô em gái Trần Thị Hà. Đã có nhiều cuộc làm việc với các cơ quan chủ quản và ngành chức năng ở tỉnh Quảng Ngãi, song câu chuyện hiệu chỉnh vẫn bất thành. Trần Văn Đức đã sang Mỹ tìm kiếm và gặp gỡ Ronald Haeberle, những câu chuyện của Trần Văn Đức đã thôi thúc ông trở lại mảnh đất đau thương này để góp phần làm sáng tỏ sự thật.
27 tuổi, đưa ra ánh sáng vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong chiến tranh Việt Nam. Nay tuổi ngoài 70, lại không ngần ngại có mặt để góp phần lý giải một sự thật liên quan đến những nạn nhân 43 năm trước, phải chăng đó là triết lý sống của Ronald Haeberle.
Tác giả : Hoàng Thái

Tác giả bộ ảnh Mỹ Lai: 'Vụ thảm sát day dứt mãi đời tôi'

Hơn 40 năm kể từ khi lính Mỹ thảm sát 504 thường dân Sơn Mỹ, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle, người chụp 60 bức ảnh về cảnh kinh hoàng ấy, chưa một lần dám công khai trở lại Việt Nam vì e sợ thù hận.
> Tác giả bộ ảnh thảm sát trở lại Mỹ Lai
> Diễn biến vụ thảm sát Mỹ Lai
Cho đến sáng 24/10, với tâm trạng vẫn còn ám ảnh bởi cảnh tượng vụ Mỹ Lai, anh cùng một người Việt Nam sống sót sau vụ thảm sát, trở lại hiện trường xưa.
Sau chiến tranh, từng đến Việt Nam một lần với tư cách là khách du lịch, tác giả bộ ảnh thảm sát Sơn Mỹ không dám đến Quảng Ngãi cũng như tiết lộ mình là nhân chứng lịch sử trước cái chết của 504 thường dân trên mảnh đất này.
"Tôi không biết mình có được họ rộng lòng tha thứ hay không", Ronald Haeberle tâm sự.
Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Khắp nơi đồng lúa chín vàng. Trên cánh đồng lô nhô nông dân đang làm việc, trong đó có nhiều phụ nữ, người già và cả trẻ con. Những người lính Mỹ lạnh lùng xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, còn vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Lính Mỹ bình thản xem như không có gì xảy ra sau khi thực hiện tội ác giết hại 504 thường dân vô tội vào buổi sáng 16/3/1968 ở làng quê Mỹ Lai. Ảnh: Ronald Haeberle.
Bức ảnh ghi lại hình ảnh lính Mỹ đi trên đường làng sau vụ thảm sát 504 thường dân sáng 16/3/1968 ở Mỹ Lai. Ảnh: Ronald Haeberle
Một trong những bức ảnh Ronald Haeberle ghi lại cảnh hai đứa trẻ dường như là anh em, trườn mình trên bờ ruộng lúa để tránh đạn, đứa lớn hơn đang che chở cho em nhỏ. Cách đó vài chục mét, khoảng 21 xác người (hầu hết phụ nữ, trẻ em) vừa bị lính Mỹ sát hại. Một bức ảnh trắng đen khác cho thấy nhiều lính Mỹ bình thản bên bờ ruộng lúa sau cuộc thảm sát.
"Là phóng viên chiến trường, lúc ấy tôi có mặt trong nhiều cuộc hành quân ở miền Trung Việt Nam để ghi lại những gì mà quân đội Mỹ đã làm.
Vụ thảm sát Mỹ Lai đã ám ảnh, day dứt mãi đời tôi", Ronald Haeberle nói với VnExpress.net.
Mỗi lần nhớ lại, lương tâm Haeberle cắn rứt không yên. "Tôi nhớ người dân nơi ấy gần gũi, thân thiện, nhớ nhất là nụ cười của trẻ em luôn vẫy tay chào mỗi khi được chụp ảnh. Chính điều này đã thúc giục tôi phải công bố sự thật".

Ronald Haeberle kể về việc chụp ảnh buổi sáng hôm diễn ra cuộc thảm sát, trong khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín
Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Life, lần đầu tiên công bố với thế giới sự thật kinh hoàng về cái chết của 504 con người vô tội. Haeberle nhớ lại cảm xúc khi quyết định công bố bộ ảnh: "Ấy là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường. Một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn".
Hôm 24/10, lần đầu tiên Ronald Haeberle chính thức trở lại Sơn Mỹ với tư cách nhân chứng sống và là người đưa vụ thảm sát ra công luận thế giới bằng việc công bố bộ ảnh đau thương.
Ấn tượng đầu tiên với Haeberle khi trở lại là màu xanh ngút của đồng lúa, những thân dừa vươn cao đu đưa trong buổi sáng sớm yên bình. Bước chậm trên con đường chi chít dấu giày, ông quan sát tỉ mỉ từng đoạn mương năm xưa mình đã chụp bức ảnh ngập xác người, căn hầm trú ẩn, nền nhà của dân làng nham nhở vì bị lính Mỹ đốt cháy... được phục dựng lại bối cảnh vụ thảm sát tàn khốc 43 năm về trước.
Ông đứng trầm ngâm trước tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ, tưởng nhớ những nạn nhân vụ thảm sát. Và Ronald Haeberle bất ngờ bởi người dân nơi đây đã mở rộng vòng tay chào đón ông: "Tôi thật sự cảm phục người dân Sơn Mỹ, họ có nghị lực phi thường vượt qua mất mát, biến mảnh đất đau thương hồi sinh, phát triển như ngày nay".
Chính cậu bé lớn hơn trong bức ảnh hai đứa trẻ tránh đạn bên bờ ruộng kia cũng đi cùng ông lần này. Ông là Trần Văn Đức. Sau vụ thảm sát, cậu bé Đức khi đó được các tổ chức nhân đạo đưa ra nước ngoài sinh sống. Ông Đức cũng đưa cả cậu con trai 18 tuổi. Để có được chuyến đi này, ông Đức đã sang tận Mỹ tìm người phóng viên ảnh và mời ông trở về Việt Nam.
Cha con ông Trần Văn Đức tại khu tưởng niệm Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín.
Cha con ông Trần Văn Đức tại khu tưởng niệm Sơn Mỹ. Ảnh: Trí Tín.
Ông Đức xúc động hồi tưởng: "Mẹ tôi bị lính Mỹ bắn bị thương nặng. Mẹ bảo tôi ôm em Trần Thị Hà mà về nhà bà ngoại kẻo bị giết. Anh em đi, tôi vừa lấy thân che cho em vừa trườn trên bờ ruộng trong khói đạn mịt mù. Hai anh em về được nhà ngoại nên thoát chết".
Ông chăm chú xem bức ảnh hai đứa trẻ mà Ronald Haeberle chụp hình ảnh của hai anh em trong giờ phút sống chết ấy. Chú thích ảnh viết rằng hai anh em đã chết, trong khi sự thật thì khác, nên nhân vật trong bức ảnh muốn làm "đính chính lịch sử". Thế là ông Đức cất công tìm kiếm Ronald Haeberle.
Phải mất hơn một năm, qua các kênh truyền hình quốc tế, tạp chí và Facebook, anh Đức mới có thể tìm được địa chỉ của Ronald Haeberle ở Mỹ và mời ông cùng trở lại Sơn Mỹ.
Trong cuộc gặp gỡ thân mật hôm 25/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã cảm ơn Ronald L. Haeberle về những bức ảnh lịch sử ghi lại cuộc thảm sát Mỹ Lai. Tỉnh cũng đề nghị người cựu phóng viên chiến trường giúp bổ sung thêm những tư liệu, hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Trí Tín
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/2011/10/tac-gia-bo-anh-my-lai-vu-tham-sat-day-dut-mai-doi-toi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét