Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Thời học sinh phổ thông . Ta và các bạn


Nhớ lại thời phổ thông










Từ lớp 1 đến lớp 8


 1/ Lớp Một học  trường cấp 1 Trung Phụng( ngõ Chợ Khâm Thiên HN).  Năm đó là năm 1956, địa điểm lớp học là Đình Trung Kính ngõ Chợ Khâm Thiên

Cô giáo chủ nhiệm: Cô Quảng, nhà ở ngõ Hạ Hồi ( hình như là số 18 ).  Cô giáo rất hiền, mình nhớ có lần làm thủ công tại lớp, đề tài là gấp con chim bằng giấy, mình được cô giáo cho 8 điểm. Sướng ơi là sướng. Có một lần cả lớp đã đến nhà cô giáo, không biết để chia buồn với cô hay sao ấy, lúc đó cô giáo cảm động lắm. Các bạn học chỉ còn nhớ được mấy người Đặng Thuý Anh, Trần Thị Anh, Thăng, ( Thăng nhà ở hồ Hale, ở giữa đảo, nay là nhà Văn hoá sinh viên HN), Lộc ron, Cương ( nhà ở ngõ 12,0, Đại , Nguyên, Thịnh, Kính, Sơn bửu, Thiết và cả bạn Giang ( Giác) nữa, không hiểu sao sau này bạn Giang lại công tác ở viện vi trùng sốt rét cơ chứ



2/ Lớp  Hai vẫn học tại trường Trung Phụng – Năm 1957, địa điểm học tại hẻm ( cũng gọi là ngõ) số 10, ngõ Chợ Khâm Thiên HN.
 Thày giáo chủ nhiệm là Thày Phượng. Thày lúc đó có lẽ cũng đã trên 55 tuổi, hay mặc áo dài the, quần ta (quần âm lịch) màu trắng, chân đi giày đen, xách cặp đen. Nhà thày ở Mai Hắc Đế, có lần chúng mình đã đến thăm thầy ốm.
 Có một kỷ niệm ở năm học này. Nhà mình ở mặt phố Khâm Thiên, nếu đi đến lớp theo đường ngõ Chợ thì xa, mình thường đi tắt qua ngõ Lệnh Cư, nhẩy qua một ngòi nước sang ngõ số 10. Lần ấy vừa đến ngòi nước, thấy ngay một chú cá chép nhẩy lên và vướng vào bèo đắp giữa ngòi, mình liền lấy mũ ( mũ cát bằng lie bọc vải rộng vành ) chụp lấy con cá và đựng trong mũ chạy về đua cho mẹ ( chưa biết đến câu “Chim sa, cá nhảy”). Mẹ nửa cười nửa nửa khóc vì tiếc cái mũ bị hỏng, cái mũ đắt hơn con cá mà. Thời đó mình nhớ là năm hào mua được hai lạng thịt dọi, về luộc chung với rau muống, ngon lắm. Mua 2 xu một liễn nước luộc lòng ở nơi mổ lợn, về chan cơm ăn  với cà cũng rất thú vị.

3/ Lớp Ba, vẫn học trường Trung Phụng, địa điểm học tại Đình Tô Tiền trong ngõ Cống Trắng Khâm Thiên (nhà mình ở 92A Khâm Thiên, đi sang rất gần, nhà Phú Quang ở 49  (hay 57gì đó )Khâm Thiên, cũng rất gần, không nhớ Quang có học cùng lớp 3 hay không; nhưng chắc chắn có Trịnh Ngọc Hiến ( gọi là Hiến tôm ) ở số 1 Khâm Thiên, có Đặng Thuý Anh, Lại Văn Lộc (ron), anh em  Văn Hùng,  Văn Dũng ở phố Huế, Văn Điệp ở Nguyễn Thượng  Hiền, Trần Văn Hợi ở Trần Nhân Tôn, Cao Đình Hướng ở Ngõ Thiên Hùng, Nguyễn Khắc Trung ở đầu ngõ Chợ, Trần Quang Nguyên ở 18 Khâm Thiên, Nguyễn Phú Thịnh (ngọng) ở số 3 Khâm Thiên,  rồi Lai cọp nữa.. Năm đó vẫn là Thày Phượng chủ nhiệm.
     Mình nhớ chắc chắn có Hiến tôm vì có lần ra chơi, mình tung cái bút ( lúc đó chỉ có bút ngòi sắt, chưa thấy bút bi) cho Hiến, chẳng may cái ngòi  lại xoay lại và trúng vào cổ bạn, mình hết hồn vì lo thầy phạt . Thày Phượng thương học trò, nhưng tính thầy nóng lắm, học sinh phạm khuyết điểm là thầy đá đít , đánh thước kẻ vào tay, kéo tai hoặc lên quỳ trước lớp. Mình đã bị quỳ một lần, vì nói chuyện trong lớp hay không làm bài tập ở nhà, không nhớ chắc được. Vì vậy mình lo lắm khi thấy cổ bạn Hiến rớm máu. May sao thầy nói với mình rất nhẹ nhàng: "sao con nghịch dại thế con", rồi thầy chăm sóc vết thương cho Hiến. Mình không bị sao cả.

        Một kỷ niệm nữa hồi đó là không hiểu sao mình nổi máu anh hùng, đến lớp sớm ( mình học buổi chiều), rủ mấy bạn trai xuống tắm ở hồ Cống Trắng, ngay trước cửa lớp học ( ở đó có cái cầu ao bằng gỗ của dân trong ngõ  dùng để tắm giặt, rửa rau, vo gạo. Rủ mãi các bạn không tắm, nhưng nói khích mình, thế là một mình mình cởi quần áo tồng ngồng xuống bơi, một lúc sau nhìn lên thì thấy rất đông các bạn đã đến và đều đứng xem mình tắm ( có cả con gái mới chết chứ). Thế mà còn phải lên mặc quần áo để vào lớp.
      Đến giờ nghĩ lại vẫn thấy ngượng



4/ Lớp Bốn. Vẫn là trường Trung Phụng và địa điểm lớp học vẫn là Đình Tô Tiền. Thầy giáo chủ nhiệm là Thầy Nguyễn Phi Lynh. Thầy còn trẻ, khoảng ngoài 30 tuổi, da trắng, hay mặc áo ký giả. Thày hay viết bài trên báo Thời Mới ( sau này nhập với báo Hà Nội, gọi là Hà Nội Mới). Thỉnh thoảng thày có bài được đăng, lại mang đến lớp đọc cho trò nghe. Cả lớp phấn khởi. vỗ tay động viên thày.  Bài của thày thường là thơ. Năm học đó vợ thày mất. Cả lớp góp tiền mua vòng hoa đến viếng. Nhà thày ở  ngõ Tức Mạc ngay cạnh Viện Khoa học giáo dục trên  đại lộ Trần Hưng Đạo, đối diện với phố Phan Bội Châu.  Năm lớp 4, mình nhớ có Nguyễn Lập Sơn ( gọi là Sơn bửu) nhà ở phố Nguyễn Du, hình như số 87, mình đã đến chơi. Một bạn trai tên là Nguyễn Văn Điệp, nhà ở phố Nguyễn Thượng Hiền,  có lần bạn cho mình mượn cuốn “ Truyền kỳ mạn lục” đọc thấy hay nên nhớ mãi, bạn hay cười, rất tươi.

  5/ Lớp Năm, chúng mình chuyển xuống trường cấp 1,2 Đống Đa, không hiểu sao chỉ có một mình bạn Thuý Anh ở lại học cấp 2 ở Trung Phụng ( hình như năm đó trường mới có cấp 2).
   Trường Đống Đa  hiện nay là bệnh viện Đống Đa, vốn trước đây là phần chủng viện của nhà thờ Nam Đồng. Mình vẫn nhớ rất rõ bài Trường ca của thày Nguyễn Văn Lương sáng tác, thày là giáo viên dạy nhạc đeo kính cận, rất trẻ trung và rất trí thức, hát hay: “Danh truyền còn ghi, tên Quang Trung ngời lên chói lọi. Ngọn đuốc muôn vinh quang nơi chất xác quân Thanh là đây. Cuộc đời lầm than, Bắc – Trung – Nam cùng nhau trỗi dậy, đuổi giặc thù giành cuộc sống cho hoa xuân lường ương đất Viêt.  Nối nghiệp người xưa, ngay nơi đây dựng xây mái trường; rực sáng trong nắng ấm, muôn sắc áo với muôn lời ca; Hãy vì ngày mai góp sưc ta cùng nhau xây dựng....... ( quên mất đoạn sau rồi)

   Mãi sau này nghe phong thanh hình như thày cũng bị vướng vào món “ Nhân văn giai phẩm” và cũng không gặp lại thầy.

 
                                                                         
                                                          
Chủ nhiệm lớp mình ( lớp 5C ) năm đó là Cô Tâm. Cô người cao, tính nghiêm nghị, dáng người đẹp.  Không nhớ năm đó mình đã đến nhà cô chưa mà chẳng nhớ được nhà cô ở phố nào, hình như ở phố Vũ Lợi.

Đoạn trên mình ghi cách đây vài năm rồi, chiều nay gặp cô Tâm nên nhảy vào đây ghi tiếp. 
Hôm nay 26/7/2013 mình và Lộc ron đến thăm Cô Tâm sau 53 năm, nhà cô số 5 ở ngõ 43 ( Lộc ron ở ngõ 45) Phố Chùa Bộc. Đến thăm không báo trước nên phải đợi cô một chút.  Cô từ trên gác xuống, vẫn rất nhanh nhẹn, cởi mở và xúc động vì có học trò già đến thăm, vẫn thấy dáng dấp và vẻ đẹp cách đây 50 năm ở cô. Cô giáo và học trò nói chuyện râm ran, ôn lại bao nhiêu chuyện, cô tự hào vì có Phú Quang là học trò và xúc động khi có đám học trò già đến thăn cô. Con Cô giáo tên là Lê Quân, hiện là GS.TS. dạy ở ĐHGTVT, năm nay 43 tuổi, anh cũng nói rằng tình cảm của học trò ngày xưa đối với cô giáo thật đáng quý, ngày ấy anh còn chưa ra đời mà; còn người anh và một người chị nữa là con lớn của cô hôm nay không gặp. Vậy là cô lấy chồng vào thời gian đó  và theo Lộc ron cô có con vào khoảng năm 1962. nay cô đã 80 tuổi rồi. Dưới đây là hình ảnh cô Nguyễn Thị Minh Tâm, chủ nhiệm lớp 5c của chúng mình ( năm cô làm chủ nhiệm là năm học 1960 -1961). Thày Phan Long đã ra đi rồi, cô Trâm   và các thày , cô giáo khác không có địa chỉ. Xác minh lại thì ra là ngày xưa cô ở phố Đỗ Hành chứ không phải Vũ Lợi..
Cô Tâm và học trò cũ Nguyến Đình Đức
Cô Tâm và Lộc ron

                                                                             
Cô Tâm, chụp ngày 26/7/2013 tại nhà riêng


   
     Nhớ lại thời đó, có lần đi học đến cống Nam Đồng, mình nhặt được 2.000 đồng , buổi chiều vội vàng đi hiệu sách mua ngay bộ sách " Chuyện làng nho", tưởng rằng hay, có sử dụng võ thuật  như kiểu " Giao Trì hiệp nữ" hay là "Long hình quái khách", hoá ra toàn chuyện vặt vãnh, thế là mất toi 2.000. Hồi đó mình toàn đi thuê truyện về đọc, thuê tận phố Gia Ngư xa tít gần Hàng Bạc, về đọc thật nhanh để trả còn kịp thuê cuốn khác. Thường một cuốn họ chia ra đóng thành hai hay ba cuôn để cho bọn học trò mê sách thuê

  6/ Lớp Sáu ( 6E), vẫn học trường Đống Đa, cô Nguyễn Ngọc Trâm chủ nhiệm, có một cô dạy môn Sinh vật nhà ở Hải Phòng, năm đó có một nhóm người tổ chức đi Cẩm Phả do Thày Sự đứng đầu, Thày Sự hình như là Bí Thư Đoàn trường, ( thày chủ nhiệm lớp 7G )  dẫn học trò đến Hải Phòng ngủ nhờ nhà cô, hôm sau đi tàu thuỷ ra Hòn Gai – Cẩm Phả. Đoàn đi có mấy người gọn nhẹ: Thày Sự, Đình Đức, Thiết Dũng, Quang Nguyên, Trịnh Ngọc Hiến, Ngọc Đại, Bá Hải ( Bá Hải là học sinh lớp thày Sự chủ nhiệm), còn ai nữa mình không nhớ. Ra đó được chui xuống thăm hầm lò. Cả đoàn tham gia nhặt than kiếm  tiền thêm ( nhặt than chất thành đống, người ta đến đo và trả tiền). Nhớ rằng Cẩm Phả lúc đó ngoài phố trồng toàn cây dâu da xoan, rất lạ. Phố phường đầy bụi. Được tắm biển Bãi Cháy. Thày Sự hình như lấy cô Liên phụ trách đội của trường Trung Phụng, nhà ở ngõ Chợ Khâm Thiên. Không biết bây giờ ra sao, chắc cũng ngoài 80 tuổi. Hồi đó, không biết là lớp 5 hay lớp 6, chúng mình còn đi gặt lúa giúp dân, hình như ở Nhân Chính vui đáo để, được ngủ một đêm với nhau, mình nhớ sáng hôm sau Quang Nguyên và Phú Quang cãi nhau, Phú Quang lúc đó chửi hơi bậy. Lúc đó là khoảng tháng 10 âm lịch



Lớp 7 ( 7H), Thày Phan Long chủ nhiệm, thày người dong dỏng cao, rất đẹp trai, đeo kính cận, râu quai nón, cạo rồi nhưng vẫn phát hiện được vì vẫn thấy một vệt đen đen bao quanh khuôn mặt thầy. Thây dạy văn, rất hiền, thày giỏi tiếng  Pháp và Quốc tế ngữ ( Ésperanto ). Mình nhớ rõ là thầy tham gia Hội truyền bá Quốc tế ngữ của cụ Zamenhof ( người Ba Lan thì phải) và tổ chức dạy cho học trò  7H. Mình cũng thích học lăm, nhưng nay chỉ còn nhớ được mỗi câu chào: “Bonan Tagon Amiko !” .

 Khi đó mình xem phim” Người nô lệ da trắng” thấy thần tượng cậu diễn viên người Grusia  ( lúc đó dịch là Gieoogi) liền viết thư kết bạn ( viết bằng tiếng Việt). Mấy tháng sau nhận được thư trả lời của Dato Danelia ( tên cậu ta) viết bằng tiếng Pháp. Thì ra cậu ta nhận được thư mình, không đọc được, nhờ mãi mới có người đọc hộ, cậu liền đi học tiếng Pháp để viết thư cho mình ( sau đó mình cũng đi học tiếng Pháp một thày ở Hàng Bông ( nhớ là Thầy Căn) một thày một trò, khi đó mình đã đi làm, đi làm 3 ka nên vừa học vừa ngủ gật, thậm chí còn được thày mua kem cho ăn để chống ngủ gật, được một thời gian nhưng không thành công vì  chiến tranh ( có lẽ mình cũng không có năng khiếu học ngoại ngữ) Mình nhờ thày Phan Long dịch thư của bạn  gửi đến và thư gửi đi của mình ( có một lần thôi). Rồi chiến tranh mất liên lạc với DaTo. Năm 1986 – 1987 mình đi thực tập sinh bên Nga, cố tìm cách liên hệ nhưng không được. Để mình tìm ảnh của cậu bạn, nếu thấy, mĩnh sẽ đưa vào đây, đẹp lắm.

   Từ lớp 6 đến lớp 7, chúng mình học toán thầy Bạch Ngọc Phụng, nhà ở phố Hàng Vôi ( thày hay nói đùa là nhà thày ở hang voi). Lớp có Đào Kiến Thiết ,Trần Toàn Thắng, Lại Văn Lộc  là học giỏi toán được thày chú ý, có lần Đào Kiến Thiết lấy một ví dụ”  một chiếc ô tô một giờ đi được 5km...” làm cho thày cười ngặt nghẽo: “đúng là tốc độ của Kiến, chẳng trách gọi là Kiến Thiết”. Mình thời đó chỉ  khá về văn. Có lần bài văn của mình bình luận câu nói của Ngô Đình Diệm “ Biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17” được thày chấm 8,5 và được trưng bày toàn trường thưởng thức. Oai chưa, chỉ tội chữ xấu thôi.


Mình hiện nay ra sức liên lạc với các bạn cũ nhưng mới chỉ có số ĐT của mấy bạn thôi: Đặng Thuý Anh, Lại Văn Lộc, Đào Kiến Thiết, Nguyễn Lập Sơn, Trần  Đức Trường,  biết nhà Hiến Tôm.( nhưng số đt thì mất rồi). Còn các bạn khác rất khó bắt liên lạc. Hình như các bạn chỉ tập trung quan hệ với bạn bè thời cấp 3 và thời đại học thôi. Cấp 1,2 nhỏ quá các bạn quên hết rồi. Buồn vậy đấy. Mình cũng có bạn  thời đại học, nhưng mình không quên thời Phổ thông cấp 1,2. Các bức ảnh các bạn, tặng mình khi chia tay, mình vẫn giữ trân trọng, bảo quản 50 năm nay bằng cách bôi lòng trắng trứng gà, kết quả như các bạn thấy đấy, ảnh không hỏng, chỉ vàng thôi. Rồi chiến tranh như vậy mà vẫn giữ được, cả những lời trong lưu bút nữa nhé, không tin để mình tìm thấy sẽ đưa lên vài bài lâm ly cho biết. Đấy là nhà mình đã chuyển nhà hơn 10 lần rồi đấy.

Nguyễn Khắc Trung nhà ở đầu ngõ Chợ Khâm Thiên, có một thời chơi Ghi ta cùng với mình, ( hai thằng bàn nhau, các bạn học đại học, mình đi làm thì cũng cố học Guitare cho giỏi, sau gặp nhau  cũng có cái mà khoe, không ngượng. Nay quay lại ngôi nhà ấy tìm lại, hỏi thăm mà không ai biết Nguyễn Khắc Trung , nghe nói đã chết vì bị ung thư. Chu Đức, Bảo sẹo, Thịnh ngọng, Nguyên béo đều đã hy sinh, không còn gặp lại được. Nhớ các bạn nhiều. Nhớ các thầy cô nữa. Đời người như bước chân con voi chạy mà mình đưa vào trang này để các bạn hình dung. Con voi này đi giầy nên chạy nhanh quá. Còn nhiều bạn nữa mình không nhớ tên, lâu quá rồi, không hình dung hết được, các bạn có nhớ thời lớp 4 học thầy Lynh, chúng mình có một miếng đất tăng gia ở sát hồ Ba Mẫu ( đi lối ngõ số 6 Ngõ Chợ Khâm Thiên) chẳng thấy thu hoạch được gì. Các bạn có bổ sung gì, có phát hiện gì thêm, có ảnh hoặc địa chỉ của ai nhớ gửi cho mình theo địa chỉ sau nhé: nguyendinhduc2008@gmail.com,    mình sẽ bổ sung ngay vào đây.



Đầu tiên, xin tưởng nhớ đến các bạn đã sớm ra đi,
kể cả các bạn mà chúng ta chưa biết tin , không có tên ở đây





 Ta và các bạn








          Trong ảnh: Nguyễn Đình Đức và Trịnh Ngọc Hiến thời đó có khổ người quá cao ( mình 1m73, Hiến 1m72) so với các bạn, thành ra đứng chụp ảnh cứ cong người như con tôm ( vậy mới có tên là Hiến tôm), mình thì khuỵu chân xuống nghệ thuật hơn , vậy mà vẫn gọi là Đức kều. Bây giờ mà cao thế là miềm mơ ước của nhiều người đấy. Đi trước thời đại cũng có nỗi khổ..






























Nhớ Quang Nguyên, đã có lần mình phải vè quê đòi một quyển truyện trả cho bạn, mình rủ Nguyên cùng về, Nguyên đi ngay. Trời ơi, lúc đo hai thằng đi bộ 24 Km, vừa về vừa ra là 48 Km mà chẳng ăn uống gì cả. Về lấy quyển sách rồi ra ngay, tính vốn nhút nhát, chẳng dám xin Cậu và Dì đồng nào hoặc là đề nghị cho ăn uống gì đó. Nghĩ lại thương bạn quá. Vậy mà nay bạn gửi thịt xương nơi đất lạ. Nhớ lắm Nguyên ơi.

HÌNH TRONG LƯU BÚT

Hình trong lưu bút, các bạn không cùng lớp nhưng chắc là cùng sinh hoạt chi đoàn, 

có lẽ các bạn đều học lớp 7 G của thày Sự

Ảnh chụp năm 1962
TRẦN THỊ GIANG
 Bạn Trần Thị Giang học cùng với chúng mình từ lớp 1 đến hết lớp 7 rồi lớp 8 với Đức. Chưa hết lớp 10 thì đi làm ở Viện Vệ sinh dịch tễ ( VVSDTTW, trước gọi là viện Pasteur). Sau đi học ĐH Tổng hợp ngành hóa và lại về công tác ở Viện VSDT TW, đã laayus chồng, có cháu ngoại rồi, Giang nói rằng rất nhớ các bạn thời cấp 1 và cấp 2, tất nhiên cả cấp 3 nữa. Trước đây Giang lười chụp ảnh, không có trong ảnh chung nên nhiều bạn không hình dung được Giang như thế nào. Vì vậy ngày 6/6/2012, mình đã mạnh bạo đến nhà Giang lấy ảnh và chụp bằng ĐTTDĐ ( ảnh đeo kính đó). Vậy xin giới thiệu cùng các bạn nhé.









TRANG TUỔI GIÀ




Hoạ thơ "NHỮNG DÒNG CẢM NGHĨ"
Tặng Trần Quang Nguyên, Bạn học ngày xưa. Liệt sĩ đã hy sinh tại Lào
sinh 1/2/1947. mất 21/3/1967
Nguyên gửi về bài thơ , nay đã thất lạc, chỉ giữ lại được bai thơ ta hoạ lại lúc đó như sau:

Xuân xưa pháo nổ đì đùng
Hỡi xuân , xuân đã biết lòng hôm nay
Kìa, người chiến sĩ miền Tây
Đón xuân giữa núi ngàn cây chập trùng
Bóng đêm dù có mịt mùng
Nhưng sông thì vẫn một dòng trôi xuôi
Ra đi đã mấy xuân rồi
Xa người nhưng có bao người nơi đây
Xuân này tính đốt ngón tay
Tính ngày xa cách, tính ngày gặp nhau
Trời đêm sắp sáng trên đầu
Ngày về cũng chẳng bao lâu mà buồn
Người đi chỉ ngọn đèn con
Màn trời, chiếu đất chon von lưng đồi
Người ở nhắn nhủ đôi lời
Rằng ra đi giữ đất trời mùa xuân
Dặm đường rộn bước hành quân
Có thư xa cũng hoá gần bên nhau
Đầu xuân nhận lá thư đầu
Rộn niềm vui mới, lắng sâu lời thề
Vững vàng tay súng, tay đe
Dựng xây tổ quốc, giữ quê hương nhà
Hỡi người bạn ở phương xa
Mùa xuân đâu cũng vẫn là mùa xuân
Nhớ lời góp sức chung phần
Chờ ngày gặp lại đón xuân vui nhiều
26/01/1966

 

 Mấy hôm nay nghe tin nhạc sĩ Thanh Sơn đã mất, ông quê ở Sóc Trang, sinh năm 1938, nhưng điều  làm mình nhớ là năm 1963 ( năm mà lớp 7 H chia tay nhau, người đi làm, kẻ vào cấp 3, mình cũng thi được vào lớp 8 nhưng chỉ học hết lớp 8,  vì muốn đi làm, và đã đi làm ở nhà máy dệt 8/3) nhạc sĩ Thanh Sơn sáng tác bài  "Nỗi buồn hoa phượng", sau đó là bài " lưu bút ngày xanh", năm 1969 mình được nghe một bạn ( tên Tuyên) chiến sĩ giải phóng quân người Huế học cùng lớp đại học với mình ( năm 1969 mình được  đi và thi đỗ vào ĐH Công nghiệp nhẹ, tách từ Bách khoa HN  ra, nay đã nhập trở lại) và ở cùng nhà trọ ( nhà dân), nghe bạn chơi Guitare và hát bài này, thấy lòng man mác nhớ lại thời phổ thông của chúng mình. Mình tải bài này ra đây để bạn nào muốn thưởng thức thì khỏi phải tìm nhé.



 Năm 1991 mình nghe bài hát " Em ơi Hà Nội phố", mình có làm một bài thơ gửi  Quang kèn co, nay chép lại ra đây các bạn cùng đọc cho vui.

THUỞ ẤY...

                     Tặng PQ

Khâm thiên thuở ấy em còn nhỏ,

Em có nhớ chăng những tán bàng,
Mùa hạ làm ô che nắng gió,
Để rồi gầy guộc lúc đông sang.
Thuở ấy chúng mình diện áo bông,
Riêng em có hẳn chiếc cổ lông,
Cả lớp bấy giờ đều guốc mộc,
Lấy đâu ra dép nhựa Tiền Phong.
Khâm Thiên thuở ấy hết cô đầu,
Nhưng điệu ca trù có quên đâu,
Lắm lúc bị lầm khi nghe thấy,
Guốc kêu như phách đổ hồi mau.
Khâm Thiên thuở ấy rất ồn ào,
Nhiều ngõ, đông người, lắm hồ ao,
Cái ngõ Thiên Hùng và Trại Khách,
Đố em còn nhớ ở đoạn nào?
Thuở ấy chúng mình đi học xa,
Trường nằm tít mãi tận Đống Đa
( Nay trường xưa ấy thành bệnh viện,
anh biết bởi vì mới ghé qua).
Nhà em bên lẻ, anh bên chẵn,
Mỗi bận đi về, em đến chơi,
Ngồi trên gác xép nhìn xuống phố,
Chỉ thấy chân đi, chẳng thấy người.
Thằng Nguyên, thằng Thịnh thành liệt sĩ,
Thằng Dũng ngày nay chủ hiệu rồi,
( Ngày xưa thân thế, nay tìm gặp,
Nó chỉ bâng quơ, nhếch mép cười).
Thằng Thiết đã thành phó tiến sĩ,
Cái Quỳnh, cái Mỹ lấy chồng xa,
Còn cái Thuý Anh, hôm nọ gặp,
Ngồi ôn chuyện cũ cứ xuýt xoa.
Nhà em cái đận bom Mỹ dội,
Mất hết gia tài, em chuyển đi,
Trong đống hoang tàn, riêng đồ cưới
của em nguyên vẹn, thật lạ kỳ.
Nơi ấy nay đặt đài kỷ niệm,
Mỗi lần qua đó lại nhớ em,
Nghe nói bây giờ em làm nhạc,
Cuộc đời gắn bó với ngành phim.
Có một bài ca em sáng tác,
Anh nghe chẳng thấy những tầng bàng,
Chẳng thấy phố mình ngày xưa ấy,
Chỉ người nghệ sĩ bước lang thang.
Chỉ thấy mùi hoa em nhắc nhở
Là mùi hoa sữa phố giàu sang.
                                  23/10/1991


Tuy nhiên mình rất thích nghe bài " Chiều phủ Tây hồ" của Phú Quang. Bài đó nhiều âm hưởng của ca trù của phố Khâm Thiên ngày xưa của ta. Xin dẫn ra đây:


                                                               Bài trên do Tùng Dương hát
                                                               Bài dưới do Phạm Thị Huệ và Minh Khôi hát kiểu ca trù








Dao Kien Thiet viet:

Nhân đọc “Thuở ấy” của Đức tặng PQ năm1991, Thiết tặng Đức bài Thuở ấy Thiết làm tháng 10/1966 sau khi bố Thiết mất :


Thuở ấy ta mơ những cánh hoa mầu trắng

Khi lòng ta chưa nhuốm vị đời
Từ thuở dấn thân vào cuộc sống
Mới thấy mình thơ ấu quá đi thôi.
Thuở ấy ta mơ những cành hoa mầu xanh
Khi lòng ta chứa chan bao hy vọng
Lúc bất lực trước những điều mơ mộng Ta hiểu cuộc đời đâu phải của riêng ta.
Thuở ấy ta mơ những cành hoa mầu tím Lòng ta còn đậm nét thuỷ chung
Khi tình yêu ngự trị trong lòng
Thì chung thuỷ chỉ là điều bao biện.
Thuở ấy chân ta chưa lấm mầu của đất
Nơi sinh sôi của mọi loài hoa.


HỌC SINH CÁ BIỆT
Thân tặng các bạn bài thơ được  ĐkThiết viết năm 1992
nhân cuộc nhậu tại SÀIGÒN với các thầy giáo cũ .Đây là học sinh cá biệt của năm 1965 Hànội 
    

Học sinh cá biệt , áo thụng ,quần túm,
mỉm cười , huýt sáo , dáng đi nghênh ngang ,
chân gõ guốc mộc ,rộn rã cầu thang .
Biết gái nhìn trộm , nên càng “diễn đẹp”.

Là học sinh ai mà không cá biệt ,
nếu lỡ lọt vào tầm ngắm của thầy cô .
“Nhất qủy nhì ma thứ ba học trò”
Bùa chú ấy ngàn đời vẫn thế !

Chàng ngự lâm đã “một lần dính quẻ”,
định kiến được trao ,trĩu nặng đôi vai ,
cứ học ,cứ vui ,cứ nghịch ,cứ tài ,
cứ nhởn nhơ ,qua khó khăn ,ngày tháng .

Học sinh cá biệt một thời mơ mộng ,
bụng cồn cào ,vẫn mê mải trời xa ,
túi không tiền ,lòng tơ tưởng người ta ,
nàng thơ đấy ! si mê ,
                                   còn yêu thì vụng dại .

Tuổi thơ ấy ,đã một thời nông nổi ,
muốn tìm trong giông bão sự bình yên ,
đã trót nghe theo tiếng gọi cánh buồm ,
đành chấp nhận khổ đau cùng hạnh phúc .

Hành trang vào đời chỉ là mơ ước ,
là niềm tin ,là kí ức học trò ,
là chút hào hoa ,phóng khoáng ,vô tư ,
chàng dấn thân “ mang …chim … đi mở cõi “

” Đất khách quê người” ,chỉ có đường đi tới ,
 chẳng quản bão giông ,chẳng ngại nắng mưa .
Chất thương trường trong máu ,tự ngày xưa ,
là dũng khí, để giành vòng nguyệt quế .

 “Giỏi ăn vụng” sở trường chàng vẫn thế ,
“việc quan ban ngày”, vợ chỉ đoán bâng quơ ,
tháng ngày qua, cay, đắng, rượu, thơ ,
giằng xé cuộc đời , cả những gì còn , mất .

Học sinh cá biệt vốn chân không sợ đất ,
học sinh cá biệt nên đầu vẫn đội trời ,
riêng người nhà mình nên đành phải nể thôi ,
                                                                  ( nể nhưng không nghe lời ! ) .
Chết đứng vì nghe vợ , có gương anh Từ Hải .
Đến đây thì rượu nói   
say xỉn cả rồi , ai tỉnh để mà ghi 
 Nguyễn Đình Đức   1 nhận xét: 

Dao Kien Thiet daokienthiet@yahoo.com.vn


    

Mình cũng thích bài Nỗi nhớ Mùa Đông của Phú Quang



Bạn học thời phổ thông: cuộc gặp sau 50 năm


Ngày 27 tháng 10 năm 2012, mình và các bạn quyết định gặp nhau tại nhà của Giang ( ngày xưa tên là Giác). Mình thông báo cho tất cả, gồm: Giang, Thúy Anh, Nguyễn Thị Mỹ, Lộc ron, Hiến tôm, Nguyễn Thị Quỳnh. Mọi người vui vẻ nhận lời. Thế nhưng vào cuộc thất lại thiẾU mất Quỳnh đen và Hiến tôm. Quỳnh vì bận trông nom cho con chuyển nhà. Hiến tôm phải về quê đột xuất.. 15 giờ, mình có mặt tại nhà Mỹ. Trông Mỹ cũng không già mấy. Người đẹp ngày xưa nay đã  4 con trai và nhiều cháu nội, nhà trên một căn gác 2 ở phố Huế. Chồng hơn 8 tuổi, nay hai người sống hạnh phúc bên con cháu. Thúy Anh đến trước mình, hai bà gặp nhau không ngớt chuyện. Mình ghi lại một đoạn clip đây để các bạn xem và nghe những người bạn cũ ngày xưa nay như thế nào nhé. Đến nhà Giang ở phố Lạc Trung 15g30, đã thấy Lộc ron ngồi đó. Chứng tỏ rằng các bạn cũng rất muốn gặp lại nhau mà. Lại tán chuyện hôm qua và chuyện hôm nay; chủ yếu là nhắc lại ngày xưa. Mình cũng ghi lại hình ảnh và clip, nhưng không hiểu sao ckip này xem lại  bị mất. Sorry các bạn nhé tại máy của mình kém. Lần sau có lẽ phải sắm máy ảnh mới.  Quên mất không báo cho Lập Sơn. Trong buổi gặp có gọi điện cho Trần Đức Trường, Đào Kiến Thiết và Nguyễn Lập Sơn. Tiếc thay lúc đó cac bạn bận, không nghe máy. Riêng Trường gọi lại, thế là mình cho nói chuyện với Mỹ, cậu công tử ngày xưa bây giờ hói trọi và ở tận Sài gòn  và mỹ nhân ngày xưa trên phố Huế. Giang chiêu đãi nước chè, kẹo vừng và sắn luộc, kem Tràng Tiền. Mình mang đến một quả bưởi da xanh. Chỉ vậy thôi mà vui đáo để. Ông xã của Giang rất nhiệt tình và ủng hộ bọn mình họp mặt, tình nguyện đăng cai địa điểm. Hiến tôm ở quê lên cũng tức tốc xe ôm đến ngay. Mình đã nhắn tin địa chỉ nhà Giang vào máy điện thoại, nhưng Hiến tôm vội vàng quá thành ra quên điện thoại, đến nơi đúng ngõ và đúng nhà mà không nhớ tầng, nhớ phòng, sau cứ đi liều lên tầng tám, nghe tiếng cười của bạn cũ mà tìm ra nhau. Thật vui. Bạn Quỳnh chắc là tiếc lắm. Hơn 50 năm chưa gặp lại Quỳnh. Vậy mà trục trặc không đến được. Quỳnh nói qua điện thoại là nhớ nhất các bạn cấp 1, cấp 2 bọn mình, nhớ lắm, muốn gặp lại lắm, muốn ôn nghèo kể khổ, chia sẻ vui buồn lắm. Vậy mà không đi được. Có lẽ bọn mình phải bố trí đến Cầu Giấy tìm nhà bạn thôi.
                                                         

                                                                                
                                        Tại nhà Mỹ: Thúy Anh, Mỹ, ông  xã Mỹ,  cháu nội Mỹ

                                                               


                                                                             

                                            Xem Clip các bà nói chuyện thoải mái nhé


   
                                                       Ảnh chụp tại nhà Giang 27/10/2012


Câu chuyện sau 50 năm
Mình mới tìm thấy ảnh của một bạn cùng lớp , mọi người có nhớ là ai không?
 Còn đây nữa, đây là ảnh anh bạn của mình đã nói ở trên: 
Dato Danelia khi đó 14 tuổi và ảnh của mình gửi đi trao đổi khi đó ( 1961)
Gặp bạn về hưu
                                      Tặng các bạn  học cũ của tôi 
                                        
Về hưu gặp bạn về hưu,
Mùa xuân quá khứ, xế chiều tương lai.
Ngả nghiêng những trận cười dài,
Cô em tóc bạc, chàng trai mắt mờ.
Thì thầm nhắc chuyện ngày xưa,
Bực mình cái bệnh tuổi già lưng đau.
Thoải mái gọi mày, xưng tao,
Gọi nhau như cái thuở nào gọi nhau.
Lợi danh thành chuyện tầm phào,
Món ngon ăn ít, thể thao tập nhiều.
Chẳng ai nói chuyện giàu nghèo,
Chỉ lo buổi gặp lần sau thiếu người.
Chia tay còn mãi trận cười,
Ra về lại nhớ những người chia tay.
 
                                                                   Đình Đức


        Ngày 04/12/2012- Đến nhà Quỳnh :
        Cả nhóm kéo đến nhà Quỳnh , Thúy Anh thấp thỏm đi từ mấy hôm trước, thế mà đột nhiên bị ốm không đi được. Thị Giang thì có thêm cháu nội được vài ngày, phải ở nhà cho chăm cháu không đi được, may mà có Mỹ, hai bà họp chợ không râm ran như hôm ở nhà Mỹ. Thúy Anh bảo, phải có Giác Giang thì chợ mới vui, một mình Giang bằng 5 bà khác. Hôm qua có Hiến tôm đi xe buýt , Lộc ron diện com lê rất trịnh trọng đến bằng xe máy, đầu đội mũ bảo hiểm trắng, có dáng rất lạ, trông như ông thực dân pháp ngày xưa đội mũ cát trắng vậy. Quỳnh rất nhớ Lộc ron, Lộc lẩm nhẩm, tính ra phải 54 năm mới gặp nhau rồi đấy. Nhớ nhau ghê, 54 năm thì còn gì tuổi xuân nữa, Hiến Tôm bảo: toàn đồ cổ cả. Ấy thế mà báo đến nhà bạn nào mới tìm thấy là các bạn đến ngay. Tranh nhau nói chuyện cũ, người cãi lớp Một học cô Quảng ở Đình Trung Kính, người khác lại cãi học cô Kim ở gần đê La Thành. Nhắc tên các bạn cũ, té ra có nhiều bạn mình cũng không thể hình dung được ngày xưa như thế nào.
      Quỳnh chiêu đãi Cốm Vòng ăn với chuối tiêu, Làng Vòng gần ngay đấy mà, ở nhà thì cũng chưa chắc đã ăn, nhưng đến đây ăn thấy ngon. Chẳng sợ làng Vòng cho phẩm nhuộm cốm. Chuối tiêu đúng mùa, rất thơm. Có điều cốm không gói trong lá sen mà gói trong lá ráy. Giảm hẳn giá trị, nhưng bù lại có hương vị của không khí gặp gỡ nên ngon. Con dâu Quỳnh lại mang ra 5 bát bánh trôi nước. Hiến ôm kiêng không ăn ( chắc là sợ béo). Bánh trôi Tàu ngày xua đi làm về hay ăn đêm ở phố Bạch Mai. Cũng rất ngon. Ngồi trên tầng 31 ngắm nhìn phía đường Phạm Hùng, thấy con đường sao nhỏ quá. cái chợ sinh viên nhìn từ trên cao xuống trông rất buồn: loang lổ, nhiều rác, lộn xộn.

      Trước khi đến đây vài ngày, mình đã cất công lên phố Cát Linh tìm lại nhà Nguyễn Thiết Dũng để rủ đi cùng. Ngôi nhà của nó nay người khác bán hàng, hỏi chẳng ai biêt Dũng và Vân ( vợ Dũng). đi cả dãy hỏi các cửa hàng bán đồ xây dựng, có một người nhớ ra, nói rằng cách đây mấy nhà có đôi vợi chồng bây giờ bán bếp ga, không bán vật liệu nữa. Mừng quá, quay lại hưởng Văn Miếu, quả có nhà bán bếp, đề tên cửa hàng Dũng Vân. Mình mạnh dạn bước vào có một ông khoảng ngót 60, hỏi thăm Dũng có vợ là Vân. Ông ta nói: tôi đây, tôi là Dũng đây. Mình cãi, không  Dũng béo có vợ là Vân cơ - Tôi có vợ là Vân mà. Mình thầm nghĩ, không thể là ông này được, dù gầy đi thì cũng còn nét gì quen chứ, ông ta cũng không nhận ra mình, vậy không phải Thiết Dũng rồi. Đành cám ơn mà ra về. Đến khu nhà 92 Lý Thường Kiệt tìm, cũng vô tăm. Ngày xưa là ngôi nhà tập thể đường sắt, nay là khu nhà chật cứng mọc lên san sát, chẳng còn nét gì quen nữa. Tìm mấy bà có tuổi hỏi ông Dũng béo có vợ là Vân. Không ai biết. Thế là không gặp được rồi. Nếu còn thì năm nay Dũng cũng đã 69 hoặc 70 tuổi rồi. Sẽ ít có khả năng gặp lại.
     Trong lúc vui, mình hỏi ý kiến các bạn và quyết định gọi cho Phú Quang. Quang hỏi ai đấy? Vậy biết ngay là Quang không lưu số của mình rồi. Mình hỏi thăm nhà thì biết là đã chuyển, không ở Thụy Khuê nữa. Mình khoe là cả lớp đang ngồi nhà Quỳnh, có mặt cả Mỹ, Hiến, Lộc. Phú Quang mừng quá muốn đến gặp ngay, nhưng nhà xa quá, tận Tứ Liên cơ ( thoạt nghe cứ tưởng Tù Liêm, có bà lại phiên dịch là nó ở Gia Lâm, chùa Bồ đề, có lẽ nghễng ngãng rồi. Mình an ủi Quang, thôi để khi nào mình dẫn cả đoàn đến nhà bạn nhé. Không hiểu sao ở tần cao mà điện thoại nói không chuẩn, rất khó nghe và hay mất sóng. Một lúc sau, Quang gọi lại, anh Đức ơi, anh đến ngay nhà em đi, em sốt ruột lắm rồi, em muốn gặp mọi người quá. Ừ, vậy là chú em không quên người cũ. Mình  thống nhất với các bạn, thứ Bảy 8/12/2012., buổi chiều hẹn nhau ở Âu Cơ. Ta sẽ đưa quá khứ đến nhà Mi, hỡi Phú Quang. 
       Mình có chụp một số ảnh, xin giới thiệu buổi gặp hôm qua:



  Quỳnh hiện nay và ngày xưa


 Quỳnh và Mỹ

Lộc và Hiến

 Hãy xem đoạn clip sau:

Mỹ ngày xưa và bây giờ


 Hiến tôm thời phổ thông và bây giờ

Lộc ron cũng vậy


 Lộc ron diện không?

                           Không có ai biết chụp , thành ra mình không có ảnh ở đây, 
                                          mình đành phải tự đưa ảnh cũ vào vậy
                                                                    

                                      Thời gian tàn phá có kinh không  !


ĐẾN NHÀ PHÚ QUANG 08/12/2012


 Quang kèn co và Lộc ron

Lộc ron trông to hẳn ra

Vui vẻ tuổi già

Lớp cũ còn có tí teo

Cả bọn chụp ảnh chung ( vợ Phú Quang bấm máy)




Tại gia đình Phú Quang



Phú Quang và vợ

Dưới đây là ảnh của bạn Định đen, cùng học với chúng ta cấp 1, cấp II, vào cấp 3 bạn học hết lớp 9 rồi đi làm. Công tác bộ phận kỹ thuật tại BV Nhi Thụy Điển và về hưu tù dó. Vợ cũng làm ở BV gì đó mình ko nhớ. Có 2 con  gái, một đang làm TS tại Nhật Bản, một hình như làm ở kỹ thuật hàng không. Có 2 nhà, kinh tế khá. Bạn Định tự hào vẫn trẻ, đẹp trai, hát vẫn tốt. Mình đã nối mạng cho bạn nói chuyện với Thúy Anh, Kiến Thiết, Đức Trường, Phú Quang, Giang giác, Mỹ và Quỳnh đen thì không liên hệ được, Toàn vịt thì không nhiệt tình, khi mình gọi diện và xưng danh, nói có bạn Định mới tìm thấy,, nhưng Toàn béo liên tục hỏi" có vấn đề gì đấy? có vấn đề gì không?" mình buồn quá tạm biệt ngay. Mình và Định hẹn và gặp nhau hôm qua 13/6/2013. Bạn sinh năm 1947. Vậy cũng 67 tuổi rồi..
 Mình chụp ảnh bằng điện thoại để các bạn nhận dạng nhé.


Định đen đang cb gọi điện thoại cho Thiết





Mắt hắn vẫn không chịu đeo kính




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét