Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

THỜI CÔNG NHÂN

                                             THỜI CÔNG NHÂN NHÀ MÁY DỆT  8/3
                                                                       







          Lên cấp 3 mình học ở trường cũng có tên là Đống Đa ( thêm chữ cấp 3), nằm trong một cái ngõ ở phố Hàng Bột ( nay là Tôn Đức Thắng). Mình chỉ học hết lớp 8 rồi xin đi làm. Nhà có hai mẹ con, mẹ mình đồng ngay. Lúc đó mình cao lớn quá đâm ra cũng ngại đi học, cao thế mà đứng cạnh Lộc ron thì cũng ngán ( bây giờ cao 1m73 có là gì đâu). Các bạn lớn hầu hết không học tiếp. Thiết Dũng đi làm, Quang Nguyên học dở dang rồi đi bộ đội, Phú Thịnh cũng vậy. Thậm chí hồi đó mình còn định xung phong đi xây dựng miền núi:  "xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi; Lên miền Tây vời vợi nghìn trùng; Lên miền Tây làm bạn với núi rừng...  ." Hồi đi thực tập sinh ở Nga, lưu học sinh trường mình ( mình thực tập ở trường Đại học Lưu trữ - Lịch sử quốc gia Matxcơva 2 năm) mời nhà thơ Trần Đăng Khoa, Bùi Minh Quốc, Vũ Quần Phương, Trần Mạnh Hảo đến chơi, mình có nói với Bùi Minh Quốc: xuýt nữa tôi đi miền núi vì bài thơ của thi sĩ, nếu hồi đó đi thì bây giờ mất hộ khẩu, bao nhiêu người về lại Hà Nội phải tá túc vỉa hè.

        Nhà thơ công nhận là hồi đó còn ấu trĩ quá mà. Rồi mình nhấp nhổm làm hồ sơ định thi vào Trung cấp đường sắt ( sau chuyển thành ĐH Giao thông VT ), cuối cùng không hiểu sao lại xin đi làm ở Nhà máy dệt 8/3, chỗ cuối phố Minh Khai bây giờ. Đi làm ở đó mình bị phân công về xưởng Đay, ( Dệt 8/3 lúc đó có xưởng sợi, xưởng dệt, xưởng nhuộm, xưởng đay, xưởng cơ khí) lúc đầu kể cũng chán vì bị vào xưởng dệt bao tải, hết cả lãng mạn. Sau rồi cũng cho qua, vui bạn bè là chính, đầu óc còn vô tư, hồn nhiên như đứa trẻ to xác. Chỉ lúc làm là chán thôi. Vất vả lắm. Vào xưởng đay đã là đen, nhưng bọn mình là đen thứ 3, bị phân công đứng máy Chải đay 1 ( thằng Sắc bị phân vào đứng máy lọc rác là đen nhất, sau đó là bọn máy mềm, làm cho đay mềm ra, rồi mới đến bọn mình là chải thô, bọn chải 2, tức là chải tinh, trông oách hơn vì không phải làm thủ công), trời ơi, suốt ngày tiếp xúc với cây đay ngâm dầu đã ủ nóng trong kho một tời gian nhất định,  hai người phối hợp vung tay chải sao cho phủ kín, dàn mỏng đều trên mặt bạt dây chuyền, để khi ra bán thành phẩm phải là cuốn Cúi (đay đã được xé nhỏ thành sợi tập hợp lại thành con cúi và tự động cuộn lại thành cuộn to, sau đó sang máy chải 2 tập hợp 12 con cúi đưa vào máy chộn đều, chải lại ( chải tinh) do người khác điều hành rồi mới sang máy ghép, máy sợi con và máy dệt).
Thế mà mình cũng tỏ ra yêu nghề, bằng chứng là hồi đó còn làm bài thơ đăng bích báo:

 "Bạn ơi trông suối đay trào
Bạc vàng của cải sánh sao vui này
Bánh xe máy chải cứ quay
con cúi cứ chạy, bàn tay cứ làm
Ới anh, hãy gắng nhịp nhàng
Kim quay, suối chảy, đay vàng nhiều thêm
Cây đay từ khắp trăm miền
Hôm nay đã tụ ở trên suối này
Dòng đay uốn khúc đẹp thay
Suối đay như lụa làm say bao người
.......  ( quên đoạn cuối)  "

         Cuối giờ phải chui vào gầm máy làm vệ sinh, cào hết những sợ đay còn sót trên răng chải và hót rác bụi, bẩn kinh người.
Không tắm không về nhà được . Đơn giản vậy mà cũng học nghề 6 tháng. Có cả chuyên gia hẳn hoi nhé. Chuyên gia Trung Quốc, lão tên là Hoàng Trung Thổ ( mình còn giữ được ảnh của lão đấy, tấm ảnh số 4 dưới đây này, chắc sau này cách mạng văn hóa lão cũng toi rồi ).

           Các em bên sợi con, bên ghép, bên dệt cứ hay lượn qua chỗ bọn mình, toàn những anh cao to đep trai  18, 19, 20 tuổi cả mà. Các bạn nhìn lại trang ảnh mà xem, bọn mình có đẹp không? Nhưng bọn mình thì ngượng vì nghề với ngỗng chán quá, mặc quần áo bảo hộ lao động dính đầy dầu và bụi đay, trông nhếch nhác lắm. Làm thì rất thủ công, rất đơn giản, nặng nhọc và chả có gì hiện đại hết. Học nghề 6 tháng với lương 21 đồng. Hết 6 tháng được xếp lương 49 đ 5 hào ( 2,5 đồng một kg thịt lợn nhé, gạo thì được tiêu chuẩn 18 kg / 1 tháng, thịt được 0,5kg /tháng, đường cũng 0,35kg, vải được 5m /1 năm) tiền tiêu thoải mái, mình không phải nộp tiền cho mẹ nên tự đăng ký đi học nhạc lý, sau học đàn Ghi ta ( 2 đồng /1 tháng, ở phố Bà Triệu, học được 2 năm thì phải đi sơ tán), lại còn xin thầy Đoàn Chuẩn cho theo học Ghi ta HaWai ở nhà thày, phố Cao Bá Quát  Rồi đăng ký học tiếng Pháp ở Hàng Bông, nhà thầy Căn ( 5 đồng /1 tháng). Cũng tìm thầy học võ mà không được, hồi đó nhà nước không khuyến khích nên không có ai dạy cả. Quà bánh lúc đó chẳng có gì nhiều như bây giờ, đi làm về hay ăn bánh trôi nước ở đầu phố Bạch Mai, gần ngõ Tô Hoàng, mùa đông ăn nóng, rất ngon. Vào ngày nghỉ mình hay đi ăn ở Bodega, món cari thỏ với bánh mì, uống siro lựu, ngon quá đi thôi. Hoặc có lúc lên phố Gia Ngư ăn phở chua ngot, giống như mì Quảng bây giờ, rất ngon.nhưng hiếm lắm. Thanh niên khi đó ăn mặc đơn giản, quần áo Kaki, mùa rét có áo bông cổ lông (như ảnh 4 thằng ở bên dưới đấy), mùa hè ai có áo trắng popolin, quần simili, xe đạp puegeot là  sang,  ăn chơi thì để đầu đít vịt, con gái phi dê kiểu “ chiến hạm nổ tung ở cảng” là ghê lắm. Phim thì chỉ có phim Liên Xô hay Trung Quốc, phim Đức là hay nhất, ngoài ra có biết phim nước nào nữa đâu


Chú thích ảnh: 1, 6, 9 & 14 / Nguyễn Đình Đức 1964   - 2/  Lê Văn Sơn ( bảo dưỡng) – 3, 11 & 16 / Đỗ Đức Sơn ( Chải 2) - 4/ Lão chuyên gia TQ: Hoàng Trung Thổ    - 5/ Bốn chàng trai áo bông  - 7 & 15 / Trần Văn Quế ( Chải 2)  -  8, 10 & 13 / Trịnh Minh Học – 12/ Phạm Thế Thăng ( chải 1) – 17/ Trần Nguyên Hoàn ( Chải 2). Ảnh chụp năm 1965



Bốn chàng trai Hà Nội , áo bông cổ lông, 1965


Vẫn 4 chàng trai ấy bên hồ công viên Thống nhất


 3 thằng đi dạo công viên, 1965



Bên chùa Một cột 1964, Đức và Sơn



Tổ Chải đay 1964: Hàng ngồi từ bên phải:  Đàm Mười ( tổ trưởng tổ 1), Hồng ( HS miền Nam),  Nguyễn Văn Chuyển ( tổ trưởng tổ 2), Mẫn ( HS miền Nam),  Đình Đức,  Quế, Tâm ( rám má, HS MN), . Hàng đứng, từ bên phải:  Nha ( ca sĩ về),  Độ, Đẩu ( HS MN),  Minh Đức ( HSMN), Tiến, Tô Đình Thuần ( trâu đất), Dương Văn Nội, Minh Học, Thế Thăng




 Hàng đứng, từ phải qua trái: Đại ( phố Bà Triệu), Tiến, Đình Đức, Khoát ( cao kều), Minh Học, Điền ( Nam Định sơ tán lên). Hàng ngồi, từ trái qua phải: Vượng ( móm), lão Triều,  Hậu ( hâm), mụ Cảnh,  ông Hóa chủ nhiệm công đoạn Ghép,  Nhận (già). Ảnh chụp năm 1966


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét