Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Truyện ngắn: “Đò quen” của Cao Ngọc Thắng


18-07-2011 11:19:15 AM
Tôi rời làng lên thành phố học đại học năm mười bảy tuổi. Hôm ra đi là một ngày nắng đẹp. Nắng thu óng ả. Cảnh vật ánh lên màu vàng tươi. Và gió mơn man ve vuốt. Đứng trên triền đê tôi ngoái nhìn lại. Làng tôi ở phía bên kia sông, khuất sau bờ đê đối diện. Dưới sông, con đò tôi vừa ở đó lên đã quay mũi. Nó tiếp tục làm chuyến cắt ngang dòng chảy. Lúc ấy, ngắm con đò rướn mình vượt dòng nước cản, tôi chợt phát hiện một điều mà trước đó chưa bao giờ thấy ai nói đến: thời gian và nước chảy, con thuyền ngày càng cũ đi, mòn vẹt, vá víu, nhưng không thể nào tạo được một lối mòn trên mặt sông. Bây giờ nghĩ lại thấy cái điều phát hiện ngày ấy thật là vu vơ, song cũng thật lãng mạn, hồn nhiên, nay ở tuổi ngoài bốn mươi chẳng thể nghĩ như vậy được nữa.
Cuộc đời dạy học trên bốn chục năm của bố tôi, cũng như con đò ngang, không hề để lại lối mòn nào trong sự nghiệp trồng người. Ông là khách quen của người đưa đò. Hai chục năm trước đã đành, nhưng hai chục năm sau khi làng tôi đã có trường học, bố tôi vẫn không chịu chuyển về dạy bên này, mà hằng ngày đều đặn sang sông gõ đầu trẻ làng khác. Mẹ con tôi góp ý thì ông thủng thẳng: “Dạy học thì ở đâu chẳng được”. “Dưng mà”, mẹ tôi nói tiếp, “thầy nó cứ đi về như vậy vất vả”. “Tôi quen rồi. Lòng mà không thấy nhọc thì đâu có vất vả”. Từ đấy mẹ tôi không bao giờ nhắc lại chuyện chuyển trường của ông nữa.
Bố tôi và người lái đò là bạn đồng tuế, quê ở hai làng đối diện con sông. Hằng ngày, trừ những dịp nghỉ, hai người lại gặp nhau, ngồi với nhau trên con đò hai lần, thế mà chuyện họ nói với nhau không cạn, mùa nước xuống câu chuyện có thể ngắn hơn một chút so với mùa nước lớn, ngày nắng cũng như ngày mưa, trời nắng nóng cũng như mưa phùn gió bấc, cứ râm ran lẫn vào nhịp chèo khỏa nước. Hai người miệt mài thực hiện những chuyến cắt ngang dòng sông suốt bao năm ròng mà không lặp lại trên mặt nước bất cứ một lối mòn nào, chỉ có thời gian bào mòn sức lực của họ, nhuộm bạc mái tóc và chạm trổ trên gương mặt họ những nếp nhăn đậm nhạt, ngắn dài của những buồn đau, vất vả. So với bố tôi, gương mặt người lái đò nhầu nhĩ hơn, nhưng lại săn chắc hơn. Tôi biết, qua lời kể của bố tôi, cuộc đời người lái đò rất lận đận, hoàn cảnh hết sức gieo neo, chỉ riêng chuyện ông lấy vợ đã đầy éo le. Ông không được hưởng tình yêu như nhiều người khác. Người vợ đầu tiên ông cưới chạy tang mẹ. Khi ấy ông chưa đầy mười chín tuổi, mới tốt nghiệp phổ thông. Mẹ ông bị bệnh, nằm một chỗ đã hơn hai năm, nay vào cơn hấp hối. Trước tình trạng lâm chung của mẹ ông, bố ông nhờ mối manh để cưới vợ cho ông. Việc chẳng thể đừng, ông cưới vợ để làm tròn nghĩa hiếu ngay trước giờ người mẹ tạ thế. Sự việc diễn ra chỉ trong vòng một tháng. Vợ ông hơn ông bốn tuổi, người xóm dưới. Người đàn bà đó khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng đanh đá, chua ngoa, người cùng làng không ai sánh nổi. Chung sống với người đàn bà ấy ông chịu đựng tất, kể cả việc bà ta day dả, nhiếc móc những điều mà ngay cả trong suy nghĩ ông cũng chưa bao giờ xuất hiện. Ông bỏ qua để giữ sự yên thân. Bản tính ông vốn thế. Có lẽ vì vậy bà vợ chê ông đụt và bỏ đi mất hút sau chưa đầy hai năm tạm trú nhà chồng. Ông không đau buồn vì chuyện vợ bỏ đi, trái lại như trút được gánh nặng đầu đời. Ông mua lại con đò của một người lái đò đã già nua, không có người kế tục. Ông trở thành người chèo đò ngang đúng lúc bố tôi tốt nghiệp trường sư phạm về dạy ở trường đặt tại làng ông. Mấy năm sau ông lấy vợ lần thứ hai. Cũng chẳng kịp yêu đương gì. Mọi người trong làng vun vào rồi thành vợ thành chồng một cách chóng vánh. Được cái người đàn bà này nết na, thùy mị và kiệm nhời lắm. Họ sống với nhau êm đềm, nhường nhịn, nghèo túng không kêu ca, khó nhọc chẳng cằn nhằn. Nhưng số ông khổ, gặp phải người đàn bà phận mỏng. Bà mất ngay trên bàn đẻ sau cơn đau quằn quại kéo dài qua ngày trắng đêm, may mà cứu được đứa trẻ sắp ngạt thở trong bụng mẹ. Đó là đứa con duy nhất của ông. Ông rơi vào tình cảnh bi đát: một mình nuôi đứa con trai đỏ hỏn và ông bố cao tuổi lại lòa cả hai mắt. Ông buộc phải tục huyền, lấy vợ lần thứ ba, để có người đỡ gánh nặng đè trĩu cuộc đời chưa đầy ba mươi tuổi nhọc nhằn. Đứa con trai của ông lớn lên nhờ sữa của những người đàn bà đang nuôi con nhỏ trong làng. Họ rẽ qua nhà ông, tong tả nhét bầu vú lặc lè vào miệng thằng bé, rồi lại tong tả đi đâu đó. Thằng bé nằm tềnh hễnh trên chiếc chiếu trải dưới nền đất cứng, chỉ có manh áo chứ chẳng có tã lót gì, huơ cẳng tay cẳng chân nần nẫn từng khúc, chán rồi tự động ngủ một giấc ngon lành, chẳng có lời ru tiếng nựng, lúc mót thì tự động tè vọt cầu vồng. Mẹ kế của nó thoải mái mò mẫm công việc quanh quất trong túp nhà hoặc đâu đó ngoài vườn, không hề để mắt tới đứa trẻ. Ông nội của nó thì ngồi thu lu im lặng suốt ngày vì mắt lòa không thể động tay động chân vào việc gì.
Cuộc sống của gia đình ông lái đò cứ thế trôi đi trong buồn tẻ. Nhưng, như thể ông trời đầy đọa ông vẫn chưa đã đời. Được dăm năm, sau đám tang người cha, người vợ thứ ba của ông đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra ốm. Qua một trận sốt cao, cơ thể giật đùng đùng, cô ta thành ra người lẩn thẩn, ăn không biết no, người đẫy ra, việc nhà bỏ bễ. May mà lúc này thằng con trai ông đã biết lối sang nhà hàng xóm, tha thẩn, đến bữa gặp đâu ăn đấy; nó rất ngoan nên ai cũng thương cũng quý, không nỡ để nó đứt bữa.
Rất thương bạn nhưng bố tôi cũng không biết làm cách nào giúp bạn gỡ những nút buộc rối rắm của cuộc đời. Ông chỉ biết lấy những câu chuyện tâm tình hòng xoa dịu nỗi đau của bạn, thành thử cuộc chuyện trò của hai người trên những chuyến đò qua lại cắt ngang dòng sông dường như vô tận. Hai người coi đó là món ăn tinh thần không thể thiếu, như không khí phải hít thở hằng ngày.
Dòng sông cắt dọc hai quê, lúc nổi cuộn dữ dằn, khi hiền hòa phẳng lặng, cứ thế đưa những câu chuyện hằng ngày của hai người, bố tôi và người lái đò, đi mãi, đi mãi, một phần nào chắc đã ra tới biển cả, những mấy chục năm rồi còn gì; và, không chừng trên đường đi ấy đã có những mảnh chuyện được phù sa bồi lên, lắng xuống, hoặc rẽ ngoặt theo những con mương để rồi mắc lại trong những thửa ruộng khi người ta tưới nước cho lúa, khoai. Bố tôi bảo, mỗi khi đi được một đường cày, người nông dân dừng lại, quệt mồ hôi và nhìn sá cày mới lật, họ sẽ cảm nhận được sự gửi gắm của tổ tiên, ông cha từ bao đời, để hiểu ra cái lẽ tồn tại của chính mình trong cõi nhân gian, rằng sự tồn tại ấy gánh chịu bao nhiêu là khắc nghiệt, thấm hút bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, mà rồi vẫn nuôi bao nhiêu là hy vọng để đổi lại cũng bao nhiêu là thất vọng.
Bố tôi bảo, cho đến tận bây giờ, nỗi khổ của bạn ông, người lái đò, cứ chồng chất trùm lấp lên nhau, không khổ đau nào giống khổ đau nào, ép cơ thể cường tráng của ông dúm dó, vít ông gập xuống. Bố tôi nói, nỗi khổ đau của mỗi cuộc đời con người vì thế cũng không có lối mòn, mà cũng vì thế bạn ông, trong cuộc vượt thoát khổ ải đã thâm trầm tích phúc, tích đức. Cơ cực là vậy, nhưng từ ngày làm bạn với nhau, bố tôi chưa hề thấy bạn ông làm bất cứ chuyện gì thất đức, chưa bao giờ lấy bất cứ cái gì không phải là của mình, không thù giận bất cứ ai, không hề than vãn bất cứ nỗi bất hạnh nào của mình. Không phải tâm hồn ông đóng băng. Bảo ông là an phận cũng đúng, song cũng không hoàn toàn như thế. Trong những câu chuyện trên con đò ngày ngày cắt ngang dòng sông, thi thoảng ông tâm sự với bố tôi về những ước mơ, dù nhỏ nhoi đến mấy cũng là ước mơ, dành cho đứa con trai duy nhất. Ông hy vọng nó  thành người, có thành người mới có thể đổi đời cho chính mình. Ông không muốn cái hiện tại tuổi thơ mất mát, đau khổ sau này trở thành vật cản, níu kéo nó, dằn vặt nó, mà nó phải vùng lên từ chính cái dĩ vãng ngặt nghèo. Ông tin con trai ông sẽ thực hiện được tâm nguyện của ông, vì một lý do rất giản dị: ông có người bạn là bố tôi. Ông nhờ bố tôi kèm cặp, dưỡng dục thằng bé, cũng tức là nhờ bố tôi giúp đỡ chính ông. Thế mới biết, bố tôi nói, con người ta sinh ra là để lo cho đời sau, nhiều hơn lo cho chính mình; có lẽ vì thế, vì hậu thế, nên con người ta luôn luôn nuôi hy vọng, và những hy vọng ấy gắn liền với âu lo, trăn trở, day dứt và không thoát khỏi nỗi sợ hãi, có khi âm thầm giấu kín, đôi lúc thể hiện bằng hành động, nhẫn nhịn hoặc nộ ngôn, nộ khí. Hoàn cảnh đã đẩy bạn ông, người lái đò, vào chỗ tăm tối. Nhưng cũng chính bạn ông lại tự mình dấn sâu vào hoàn cảnh tối tăm hơn. Bạn ông nhận ra bài học cay đắng này thì đã quá muộn. Bác thương tôi, người lái đò nói với bố tôi, thì bác giúp tôi chuyện này, tôi chỉ có mình nó, chỉ hy vọng mỗi nó. Chuyện này là người lái đò nói tới chuyện học hành của con trai ông, ông nhờ bố tôi rèn cặp giúp nó. Vì không có cái sở học, người lái đò tâm sự ruột gan với bố tôi, học không đến nơi đến chốn, không biết nghiền ngẫm, thì đời nó cũng lại ngắn ngủi, hèn đớn, cạn cợt như cái kiếp tôi mà thôi. Nhận lời với bạn, bố tôi nhất quyết không chuyển về dạy ở trường làng, hằng ngày vẫn xách chiếc cặp ba dây cùng chồng giáo án cũ rích, ngồi đò cắt ngang dòng sông, sang làng quê bạn gõ đầu lũ trẻ, trong đó có con trai của bạn. Chuyện này bố tôi không nói cho mẹ con tôi, mãi sau này tôi mới biết.
Con trai người lái đò hơn tôi một tuổi. Hai đứa chúng tôi đã có những năm học chung lớp, khi làng tôi chưa mở trường. Thày giáo dạy chúng tôi chính là bố tôi. Ông chăm bẵm việc học hành của hai đứa chúng tôi có phần hơn những trò khác, tất nhiên, ở chỗ nghiêm khắc hơn, yêu cầu cao hơn, giao bài tập nhiều hơn, kiểm tra kỹ lưỡng không chỉ về khả năng nhận thức, suy đoán, lòng tự tin, mà cả cách trình bày phải sáng sủa, mạch lạc. Thời gian cùng học, con trai người lái đò không thực sự xuất sắc bằng tôi, cũng dễ hiểu. Nhưng, cậu ta thể hiện ý chí vươn lên rất rõ rệt, có phần hơn tôi. Cậu ta viết không đẹp, song giữ gìn sách vở sạch sẽ. Cậu ta ít nói, như bố mình vậy, nhưng chăm hỏi, hỏi kỳ hiểu mới thôi. Tình bạn tri kỷ của hai ông bố đã dần dà truyền sang hai đứa chúng tôi, kết chúng tôi thành hai người bạn gắn bó. Khi tôi chuyển về học trường làng, chúng tôi vẫn thường xuyên sang chơi với nhau trên con đò do chính bố của bạn chèo lái. Tôi biết, thời gian không cùng học là lúc bạn tôi nỗ lực, gắng gỏi một cách kiên trì, âm thầm thi đua cùng tôi. Và năm đó, hai đứa chúng tôi cùng thi đỗ vào đại học. Bạn tôi nhập trường trước, tôi rời làng quê sau một tuần. ở lại, hai ông bố vẫn người nào việc nấy, người dạy học, người chèo đò, và cả hai tiếp tục những câu chuyện trên những chuyến đò cắt ngang dòng sông. Con sông, lúc êm đềm khi gồng mình, nhẫn nại chở những câu chuyện của hai người bạn đi tới chân trời góc bể hoang xa.
*
“Một ngày nào đó, tôi sẽ đưa anh về thăm quê tôi”. Tôi rất mong đợi ngày đó để có dịp hiểu thêm câu chuyện mà bạn tôi đã kể cho nghe.
Chúng tôi ngồi trên vạt cỏ mép sông. Chiều hè. Gió lộng. Tầm mắt thoáng đãng. Những khối bê tông to vật sừng sững, chia cắt dòng chảy. Đó là những mố trụ sẵn sàng đón những chiếc dầm bê tông gối lên. Một chiếc cầu bê tông, chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn thành, nối hai bờ con sông gần lại. Cách chân cầu tương lai không xa, một con đò đang dướn mình, chuẩn bị cập bến bờ bên này óng ả. Tôi quay nhìn, ánh mắt bạn tôi tránh ánh mắt của tôi.
“Anh có nhìn thấy chỗ lở ở bờ bên kia không”. Thực ra đó không phải là một câu hỏi. Bạn tôi nói tiếp: “Chỗ ấy đã mất đi một mảng ký ức về cuộc đời. Trong đó có cả một phần ký ức về đồng đất và con người quê tôi”. Im lặng. Gió lồng lộng. Cỏ may rối tung. “Nhưng không sao. Nó rời chỗ này để rồi lưu lại ở nơi nào đó...”. Dường như gió đang thầm thì...
Bầu trời đã nghiêng xuống. Những tia nắng nhảy nhót trên mặt nước, vơi dần. Và, trong khoảnh khắc, nền trời chuyển từ màu tím hồng sang màu xanh cô-ban. Dòng sông lịm dần.
“Phải trải qua chặng đường đời khá dài tôi mới biết cách ngồi suy nghĩ cùng dòng sông như lời khuyên của bố tôi ngày trước. Dạo tôi chuẩn bị vào đại học, bố tôi bảo: muốn hiểu cuộc đời hãy tìm hiểu dòng sông”.
“Thế, còn về lối mòn thì sao?”. Đến lúc này tôi mới cất lên câu hỏi. “Thì ra anh vẫn còn nhớ chuyện ấy à!”, bạn tôi trả lời. “Dòng sông nói với tôi rằng, cuộc đời không bao giờ có lối mòn, chỉ có suy nghĩ của con người mới bị đóng khung theo lối mòn mà thôi”.
Hoàng hôn chưa tắt hẳn. Trên sông, con đò cựa mình quay mũi hướng về phía bờ bên kia, chuẩn bị cắt ngang dòng nước chuyển mùa trong những chuyến bơi cuối cùng...
(Nguồn Văn nghệ)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét