Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Học sinh cần học điều gì ?


Tôi có nhiều câu chuyện cá nhân rất vui. Hàng ngày tôi nhận được vài email (không nhiều lắm) từ các bạn trong nước hỏi về đủ thứ chuyện, có những chuyện tôi chẳng biết mô tê gì cả. Tuy nhiên, điều làm tôi chú ý là ngôn ngữ và thái độ trong email. Thôi thì đủ thứ: từ lịch sự, nhún nhường, đến lên lớp, và cao độ nhất là cách viết cứ như là ra lệnh. Không ngạc nhiên khi thấy không có lời cám ơn (và thật sự thì tôi cũng không cần). Nhưng đặc biệt ngạc nhiên là hầu hết thư đều không hề xưng danh tính. Tôi thấy lúng túng với những thư như thế và đành im lặng. Có lần tôi chuyển một thư của một bạn trẻ cho một người bạn có liên quan, người bạn này kêu lên: sao nó vô lễ thế! 

Người mình có câu "tiên học lễ, hậu học văn". Nếu có vô lễ thì chắc phải xét đến nền giáo dục của ta. Thời gian gần đây có nhiều tiếng nói đòi cải cách giáo dục ở nước ta. Người ta cho rằng nhiều vấn nạn xã hội mà nước ta gánh phải ngày nay là do hệ thống giáo dục tồi tệ. Tôi cũng thấy như thế và cũng từng lên tiếng nhiều lần. Tuy nhiên, nay thì tôi thấy chán rồi, vì nói hoài mà chẳng có thay đổi gì. Lực lượng trì trệ đã chiến thắng, đã làm cho những người có tâm huyết nản lòng. 

Trong bài "Việt Nam đang đi theo triết lý giáo dục nào?", Gs Chu Hảo viết: "Điều lạ lùng là, mặc cho dư luận xã hội có vẻ như ngày càng bức xúc, nhưng mọi việc vẫn đâu ở đấy. Hình như các kiến nghị của nhóm Giáo sư Hoàng Tụy (2004), của nhóm Trí thức Việt kiều (2005 và 2008), của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (2006), của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (2007), của nhóm Bà Nguyễn Thị Bình (2008) đều cứ như là 'đấm vào bị bông'."
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/4845/index.aspx
Tôi không quan tâm đến chuyện triết lí này nọ, nhưng chỉ quan tâm đến những chuyện nhỏ và thực tế. Hôm trước, nhân đọc trên máy bay một bài viết rất hay của ông hiệu trưởng trường Yale về giáo dục, tôi nảy ý định viết bài này.

Bốn trăm năm trước Công nguyên, khi được hỏi học sinh nên được dạy điều gì, triết gia Aristippus của Hi Lạp trả lời: "Những điều mà họ sẽ sử dụng khi họ trở thành người lớn".
Kĩ năng gì học sinh sẽ sử dụng khi các em trưởng thành? Có hai điều chắc chắn trong cuộc đời: cái chết và thuế má. Chúng ta có dạy cho các em về cái chết hay những điều liên quan đến thuế và tài chính hay không? Thú thật, khi Ba Má tôi qua đời, trong nỗi niềm đau khổ, tôi cảm thấy lúng túng trong việc tổ chức tang lễ. Tôi cần phải thông báo cho ai? Nhiệm vụ của tôi trong gia đình là gì? Cũng may là có bà con và các dì tôi cố vấn, chứ không thì tôi cũng bí. Lúc đó tôi mới nhận ra mình quá khờ dại trong cuộc sống thực tế.
Rồi đến thuế má, một chủ đề rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Giới trẻ ngày nay với những bê bối, lem nhem về tài chính, khi họ trở thành nạn nhân của những vụ lường gạt thẻ tín dụng. Chẳng nói đâu xa, ngay cả đứa con lớn của tôi nó không phân biệt được các chương trình khuyến mãi, không quyết định được nên sử dụng công ti điện thoại nào, và không biết tiết kiệm tiền bạc. Có cái gì đó hụt hẫng trong giáo dục kĩ năng đời sống ở bậc trung học.
Thật ra, nhà trường ngày nay chẳng quan tâm đến các vấn đề thực tế như tôi vừa mô tả, những vấn đề mà thanh thiếu niên sẽ phải đối phó khi họ trưởng thành. Các chương trình giáo dục hiện hành được soạn thảo nhằm mục tiêu giúp cho học sinh chuyển tiếp vào hệ thống đại học và chuẩn bị thi cử, chứ không phải để chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống thực tế. Thế thì câu hỏi đặt ra là học sinh cần học những gì để khi trưởng thành họ có thể áp dụng? Bất cứ một câu trả lời nghiêm chỉnh nào cũng không thể bỏ qua các kĩ năng sau đây:
* sống trong cộng đồng và vun đắp quan hệ cộng đồng;
* kĩ năng thông tin;
* tự biết chính mình và có lập trường;
* đối phó với các vấn đề cá nhân, kể cả sex;
* kiểm soát cảm tính;* quản lí tài chính;
* làm những việc thực tế như lau dọn nhà, nấu ăn, sửa đồ đạc trong nhà;
* có thái độ tốt, tử tế, và biết cư xử với người ngoài gia đình;
* nhận lãnh trách nhiệm;
* có khả năng đối phó với những mất mát và khổ đau.

Thật ra, còn biết bao nhiêu chủ đề có thể đưa vào danh sách trên, nhưng một danh sách dài như thế có lẽ cũng đủ để minh họa cho những chasm học sinh cần biết khi lớn và những gì thường được dạy ở nhà trường. Có vài ngoại lệ glorious, dĩ nhiên, và phần lớn trường học sẽ xem xét đến các vấn đề vừa nêu, nhưng tôi tin rằng hệ thống giáo dục phương Tây nói chung đã thất bại trong việc cung cấp cho học sinh những kĩ năng thực tế thiết yếu.
Trường học cần phải huấn luyện nhiều hơn nữa cho học sinh, chứ không phải chỉ là bốn bức tường của nhà giữ trẻ. Trường học nên huấn luyện trái tim và bộ óc, và thực hiện qua các môn học. Tôi đề nghị trường học xem xét đến các kĩ năng sau đây:
1. Cộng đồng. Ngày nay học sinh bị cuốn hút theo những trò chơi điện tử và những trò chơi hay quan hệ trên hệ thống internet. Đây những trò chơi làm cho họ xa lánh với môi trường sống thực tế, và thiếu sự tương tác giữa con người với con người. Kĩ năng xã hội (social skills) của học sinh càng ngày càng kém. Và, điều này dẫn đến tình trạng học sinh trở nên ích kỉ, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, không có khả năng liên kết suy nghĩ của người khác vào quĩ đạo suy nghĩ của mình. Nói ngắn gọn, họ trở nên một gánh nặng cho xã hội và cộng đồng. Điều mà học sinh cần phải biết là kinh nghiệm sống trong cộng đồng, chứ không phải chỉ trong bốn bức tường của trường học. Họ phải có kinh nghiệm sống ngoài trường học, sống với 24 giờ trong cái thế giới hỗn độn và cộng đồng phức tạp. Họ cần phải học cách trở nên tử tế với những người chung quanh. 

2. Kĩ năng thông tin. Học sinh, đặc biệt là nam học sinh, cần được rèn luyện kĩ năng thông tin tốt hơn. Họ cần phải học cách diễn tả và lí giải một cách hoạt bát qua viết văn và nói chuyện. Mặc dù các kĩ năng này không phải là nhu cầu gì mới trong giáo dục nhà trường, nhưng cái thách thức là làm sao nâng cao kĩ năng thông tin cho học sinh một cách hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, nhà trường cần phải nhận thức rằng nội dung thông tin chỉ chiếm khoảng 7% độ ảnh hưởng của thông tin. Phần còn lại là do thái độ và thể diện (57%) và âm lượng của người nói chuyện (36%). Học sinh cần phải được dạy để đọc ngôn ngữ cơ thể (body language) của người đối diện để cảm nhận tâm trạng, để diễn giải cảm giác mà không thể mô tả bằng ngôn ngữ, của người đối thoại. Họ cần phải cải tiến khả năng chuyển tải và tiếp nhận thông tin qua ngôn ngữ cơ thể và thái độ, hơn là chửi bới vô duyên.

3. Tự biết mình. Ngày nay, có quá nhiều thanh thiếu niên không có chính kiến, không có lập trường, không biết họ đứng ở vị trí nào và cũng chẳng biết họ tin tưởng vào cái gì. Một số khác thì đáng ngại hơn là họ tỏ ra hài lòng với với sự cuộc sống nhưng không có cứu cánh gì cả, không có lập trường vững chắc. Thậm chí tồi tệ hơn, một số học sinh còn không biết họ là ai, không biết mình có khả năng gì đặc biệt. Do đó, một yêu cầu cơ bản cho tất cả học sinh là họ phải là chủ nhân của những gì họ tin tưởng hay lập trường cá nhân. Họ có thể bắt chước, có thể nói theo ý kiến của người khác, hay tin theo một niềm tin từ cha mẹ hay thầy cô ở nhà trường, nhưng mỗi học sinh phải tìm cho mình một tiếng nói riêng hay một lập trường cá nhân, chứ không phải cứ nghe theo người khác một cách mù quáng.

4. Vấn đề riêng tư. Nói chung, hệ thống giáo dục nước ta không thành công mấy trong việc chuẩn bị cho học sinh để đương đầu với các vấn đề riêng tư, kể cả sex. Chúng ta đang có những chương trình giáo dục về sex, nhưng hình như vẫn chưa có hiệu quả vì giới thầy cô miễn cưỡng giảng dạy chủ đề này. Trong khi đó, học sinh liên tục tiếp thu nhiều thông điệp trái ngược nhau. Cha mẹ thì nói thế này, còn trường thì nói thế khác, nhưng các website thì tuyên bố hoàn toàn khác với cha mẹ và thầy cô. Người có tư cách để giáo dục học sinh về sex chính là cha mẹ các em. Một số cha mẹ không ngần ngại nói về sex với con em mình, nhưng đại đa số cha mẹ không bao giờ muốn nói đến những chuyện tế nhị này.

5. Kiểm soát cảm tính. Có người chỉ ra rằng nhà tù ngày nay đầy rẩy thanh niên và đàn ông, nhưng nếu họ có kĩ năng và nghệ thuật đếm từ 1 đến 10 trước khi hành động thì có lẽ không cần đến nhà tù. Hành động một cách nông nỗi, bốc đồng thường có nghĩa là chỉ có một phần của bộ não được khởi động, còn phần khác của não cần thiết để phòng chống những quyết định thiếu sáng suốt chưa được khởi động. Hành động "chiến đấu hay là chạy" (fight or flight) có thể mang tính di truyền và cần thiết vào từ thời tiền sử, thời mà người đàn ông phải bảo vệ hang động từ các nhóm xâm lăng, nhưng không có hiệu quả trong thế giới hiện tại, thế giới chỉ chấp nhận những hành động và con người trưởng thành trong xã hội hiện đại.

6. Tài chính. Mức độ dốt của học sinh về tài chính thật là đáng sợ. Điều này được biểu hiện qua phần lớn những thanh thiếu niên và học sinh gặp trở ngại trong các vấn đề tài chính vì họ không có khả năng cân đối ngân sách, không hiểu những bẫy trực chờ của các thẻ tín dụng và không có khả năng trả nợ. Sống và chi tiêu quá khả năng (vung tay quá trán) hay quá lệ thuộc vào cha mẹ là nguyên nhân dẫn đến những thảm nạn tài chính cho học sinh. Trong một xã hội mà nợ nần càng ngày càng trở nên một gánh nặng, vấn đề tài chính cần phải được giảng dạy cho học sinh. Cần phải nói cho học sinh biết những điều kiện hay cạm bẫy để tránh mượn tiền quá nhiều, tránh những chương trình khuyến mãi làm giàu nhanh chóng, và biết chi tiêu một cách thỏa đánh, thích hợp với thu nhập của mình và của gia đình.

7. Thực tế. Thảo luận về tình trạng thiếu các kĩ năng sống ở thanh thiếu niên thường được thêu dệt bằng những câu chuyện kinh khủng về phòng tắm dơ bẩn, nhà bếp với chồng chất chén đĩa dơ dáy, và phòng ngủ lượm thượm. Một số học sinh không bao giờ được dạy nấu ăn, hay nếu được dạy, họ có lẽ chưa được dạy cách rửa nồi niêu, chén đũa sau khi nấu ăn. Do đó, không ngạc nhiên chút nào học sinh ngày nay thiếu hàng loạt kĩ năng sống trong nhà, từ những việc đơn giản nhất (như cắt cỏ, thay nhớt xe, thay ống nước) đến những việc có phần tính toán hơn như cách tiết kiệm điện lực.

8. Lịch thiệp. Thiếu niên có thể ăn như một con heo, nhưng họ cần phải nhận thức được rằng họ ăn uống như heo và có khả năng ngưng ăn khi tình thế đòi hỏi. Tiếc thay những phép lịch sự căn bản như cách xưng hô trong khi nói hay viết là những kĩ năng có nguy cơ bị tuyệt tự ở những thanh thiếu niên ngày nay. Không học các hành vi lịch thiệp trong xã hội có thể dẫn đến bất lợi cho học sinh. Do đó, học sinh cần phải được dạy những kĩ năng căn bản như cách xưng hô, gửi một lời cám ơn, bắt tay một cách thích hợp.

9. Trách nhiệm. Nhiều học sinh có một cuộc sống qua khung cửa sổ. Họ chỉ thích nhìn. Nhìn là điều an toàn. Họ không có trách nhiệm, hay không nhận lãnh trách nhiệm. Khoanh tay nhìn xe bị tai nạn mà không làm gì giúp nạn nhân. Lối sống này rất phổ biến trong thanh thiếu niên ngày nay, phổ biến đến nổi chúng ta có thể nói họ sống thụ động. Họ nhìn, họ xem, họ phê phán từ ghế salon tiện nghi trong phòng khách. Khi trưởng thành, họ sẽ thấy khó làm gì hơn là nhìn và trở nên vô trách nhiệm. Vì thế, học sinh cần phải được dạy cách thức làm chủ thái độ và hành vi của họ, cách làm lãnh đạo, cách quyết định thích hợp, và cách phục vụ người khác. 


10. Sức bật. Thanh thiếu niên nói chung thích được khen tặng, tán dương. Có em thậm chí cảm thấy mình bị ngã gục vì họ không được khen ngợi! Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng hay toàn những điều tốt đẹp. Lòng tự trọng cần phải được phát triển và bồi đắp. Những thành công tầm thường không thể tâng bốc là phi thường được. Học sinh không nên tùy thuộc vào những lời khen tặng. Những bất mãn, thất vọng có thể xảy ra trong đời sống. Học sinh cần phải được trang bị cho mình nội lực để và can đảm cần thiết để đương đầu với những bất trắc trong cuộc sống.

Trên đây là những kĩ năng sống mà tôi nghĩ học sinh cần phải được dạy trong trường học. Học sinh cần tình cảm và nghị lực. Ở nước ta có câu "Tiên học lễ, hậu học văn" nghe rất hay nhưng tôi nghĩ khá trừu tượng. Trong số những kĩ năng trên đây liên quan đến lễ, nhưng cũng có kĩ năng mà phương châm đó chưa nhắc tới: kĩ năng xã hội. Người ta thường nói chúng ta được sinh ra trần truồng, ướt át, và đói khát, và vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Nhưng may mắn thay, vấn đề vẫn có thể trở nên tốt hơn qua giáo dục.

NVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét